* Ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phước Mỹ:
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án
|
Mô tả ảnh. |
Chúng tôi đã đọc Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và nhất trí với đánh giá: “Trong nhiệm kỳ qua, chủ trương xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị tiếp tục được đầu tư phát triển đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là về giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải... phát triển mạnh. Nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; nhiều khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, được khởi công xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải tạo môi trường, cải thiện chất lượng sống của nhân dân và tạo diện mạo mới cho thành phố”.
Thực tế tại địa phương cho thấy, người dân Phước Mỹ vốn sống bằng nghề nông và nghề biển. Từ năm 2000, khi thành phố có chủ trương di dời giải tỏa để quy hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị, toàn bộ đất nông nghiệp phường Phước Mỹ bị thu hồi. Sau đó, thành phố đã tạo điều kiện, tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng Dịch vụ - Du lịch - Tiểu thủ công nghiệp - Hải sản. Những năm qua, hơn 70% lao động trong toàn phường đã chuyển đổi ngành nghề hiệu quả, số còn lại đang tận dụng phần đất đã thu hồi nhưng chưa sử dụng để phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, hiện nay trên địa bàn phường có một số dự án đang triển khai với tiến độ rất chậm, nhất là việc giải tỏa khu An Cư 5, An Cư 4, An Cư 2… triển khai từ năm 2000 đến nay vẫn đang trong tình trạng di dời, giải tỏa. Đề nghị các cấp lãnh đạo chỉ đạo các chủ đầu tư không nên kéo dài các dự án, đồng thời đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tiếp tục có biện pháp hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Đan Tâm (ghi)
* Ông PHẠM VĂN SIÊM ở tổ 12, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu:
Cần quan tâm nhiều hơn đối với nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật
|
Mô tả ảnh. |
Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc và đời sống của nhân dân được nâng cao hơn trước rất nhiều. Tôi mong Đại hội Đảng bộ thành phố lần này sẽ có những chủ trương, quyết sách về tăng cường chăm lo đời sống đối với các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và các đối tượng xã hội. Riêng mức hỗ trợ cho người khuyết tật hiện nay, từ 120-180 ngàn đồng/người/tháng là chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố và cần sớm được nâng lên.
Đề nghị Đảng bộ thành phố có định hướng về việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phải có lối đi dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng thụ các hoạt động văn hóa tinh thần của xã hội. Mặt khác, Đảng bộ cần có chủ trương đẩy mạnh đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đối với nạn nhân chất độc da cam cũng như các đối tượng xã hội.
LÊ VĂN THƠM (ghi)
* Chị Nguyễn Thị Hoài Nam, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố:
Phát triển khoa học và công nghệ gắn với định hướng và mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố
|
Mô tả ảnh. |
Những năm gần đây, thành phố đã đầu tư khá lớn cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN). Nguồn lực đầu tư cho KH-CN đang dần được xã hội hóa và trở thành động lực phát triển KT-XH, đặc biệt trên một số lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ phóng xạ… đều đã và đang triển khai tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ… thực hiện tốt. Chính điều này góp phần không nhỏ vào việc định hình nên một môi trường đầu tư và phát triển công nghệ thuận lợi và minh mạch.
Tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của thành phố được thể hiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ là “Phát triển KH-CN gắn với định hướng và mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố, làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành phố”. Không những vậy, thành phố cũng đã cụ thể hóa mục tiêu trên bằng việc xúc tiến hình thành một số cơ sở khoa học như Viện nghiên cứu ứng dụng, Viện ứng dụng bức xạ, Phòng chẩn đoán phân tử… Đây là điều kiện tiên quyết để KH-CN trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy KT-XH thành phố phát triển. Tuy nhiên theo tôi, thành phố cần quan tâm hơn nữa, cũng như tạo môi trường thuận lợi để người tài phát huy khả năng của mình khi về làm việc tại Đà Nẵng.
Đây là điều không đơn giản, đặc biệt là đối với những người tài là Việt kiều hay các chuyên gia đến từ các nước phát triển. Bên cạnh chính sách về tiền lương và các chính sách hỗ trợ khác, rất cần tạo nên sự liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp để gia tăng “hàm lượng chất xám” trên các sản phẩm của chúng ta.
T.SƠN (ghi)