Cần đơn giản hoá thủ tục trả lại giấy tờ cho phạm nhân

(PLVN) -Mặc dù Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định về việc phối hợp với trại giam trong tổ chức thi hành án, tuy nhiên trong thực tiễn tổ chức thi hành án, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó xác định trại giam của đương sự

Một trong những khó khăn lớn và thường xuyên gặp phải của cơ quan THADS khi thi hành án đối với phạm nhân là việc xác định trại giam của đương sự. Khi Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án, ngoài các thông tin trong bản án và khai thác từ gia đình, chính quyền địa phương thì không có nguồn thông tin nào cho biết được địa chỉ trại giam của đương sự nếu như cơ quan THADS không nhận được thông báo của trại giam nơi phạm nhân thụ hình.

Mặc dù Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân đã quy định giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm túc. Khi tổ chức thi hành án, Chấp hành viên thường phải tự tìm hiểu và xác định trại giam nơi người được thi hành án chấp hành hình phạt tù. Hành trình xác định trại giam của đương sự đôi khi rất gian nan, làm mất nhiều thời gian của chấp hành viên, giảm hiệu quả thi hành án.

Về thủ tục trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho phạm nhân: Thủ tục trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam được quy định cụ thể tại Điều 126, 129 Luật Luật THADS; Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn gặp một số khó khăn. Đối với các trường hợp đương sự ở xa, không thể đến nhận tiền, giấy tờ trực tiếp tại cơ quan THADS thì có thể làm đơn xin nhận tiền, giấy tờ tại trại giam.

Tuy nhiên, nhiều phạm nhân có trình độ hiểu biết hạn chế, cá biệt hoặc không biết chữ, việc quy định phạm nhân có đơn xin nhận tiền, giấy tờ trong trại giam trên thực tế là rất khó thực hiện, lại thêm quy định: Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS biết trong khi cơ quan này phải thực hiện rất nhiều công việc khác, dẫn đến công tác phối hợp trong trường hợp này gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, để trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân, chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều tác nghiệp khác nhau, từ thông báo quyết định thi hành án và Thông báo về việc nhận tiền, tài sản, giấy tờ, đến soạn thảo Công văn để nghị phối hợp, hoặc hướng dẫn đương sự thực hiện việc ủy quyền….việc này cũng phát sinh nhiều thủ tục hành chính, đôi khi gây tốn kém thời gian và công sức của Chấp hành viên, làm giảm hiệu quả thi hành án.

Một số tài sản do cơ quan thi hành án nhờ trại giam chuyển giao cho phạm nhân, trại giam đã lập biên bản bàn giao, nhưng do phạm nhân là người đang thi hành án phạt tù, nên không được giữ những tài sản này mà phải gửi lưu ký, từ đó nảy sinh nhiều phức tạp, khó khăn trong việc quản lý, bảo quản tài sản của phạm nhân trong một thời gian dài.

Cần giảm bớt thủ tục hành chính

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam trong tổ chức thi hành án. Có thể bổ sung các quy định mang tính đặc thù trong việc thi hành án đối với phạm nhân, trên cơ sở giảm bớt các thủ tục hành chính, để thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức thi hành án.

Cùng đó, xây dựng và hệ thống hóa cơ sở dữ liệu điện tử giữa cơ quan THADS và trại giam, có thể xem xét xây dựng một phần mềm liên thông giữa cơ quan THADS và hệ thống trại giam để hỗ trợ việc tra cứu thông tin của người phải thi hành án là phạm nhân. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho cả cơ quan THADS và cơ quan Thi hành án hình sự trong việc theo dõi thông tin về việc chấp hành hình phạt tù cũng như hoàn thành nghĩa vụ dân sự của các đương sự là phạm nhân, giảm bớt các thủ tục hành chính còn rườm rà trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan như hiện nay.

Cần tiếp tục xây dựng các quy chế phối hợp giữa cơ quan THADS và trại giam trong nhiều công việc khác liên quan đến tổ chức thi hành án đối với đương sự là phạm nhân, cụ thể như về thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, xử lý tài sản lưu ký tại trại giam để thi hành án…. góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành án đối với loại việc này.

Đọc thêm