Cần đột phá vào khâu quản lý và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc trong cải cách giáo dục - đào tạo

Tại hội thảo khoa học”Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11” tổ chức tại Hải Phòng vừa qua, các đại biểu đến từ Hội khoa học – tâm lý giáo dục các địa phương đưa ra nhiều ý kiến có giá trị, bàn tới việc cải cách và phát triển nền giáo dục – đào tạo nước nhà thời gian tới.

Tại hội thảo khoa học”Đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11” tổ chức tại Hải Phòng vừa qua, các đại biểu đến từ Hội khoa học – tâm lý giáo dục các địa phương đưa ra nhiều ý kiến có giá trị, bàn tới việc cải cách và phát triển nền giáo dục – đào tạo nước nhà thời gian tới. Báo Hải Phòng trân trọng trích đăng ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

 

Nền giáo dục nước nhà đang đòi hỏi phải được cải cách mạnh mẽ

Ảnh: Minh Hải

Đại biểu Nguyễn Minh, Hội Khoa học – tâm lý giáo dục tỉnh Khánh Hòa”: Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ khâu quản lý

 

Nền giáo dục nước nhà hiện nay với nhiều bất cập đang tồn tại đòi hỏi phải được cải cách mạnh mẽ. Tuy vậy, cần xác định rõ quá trình cải cách giáo dục nên bắt đầu từ đâu để tránh tình trạng cải cách chệch, cải cách nhầm không chỉ phá vỡ, đảo lộn hệ thống giáo dục mà còn làm ảnh hưởng tới những thế hệ thụ hưởng nền giáo dục ấy.

 

Dễ dàng nhận thấy, các bất cập của giáo dục Việt Nam hiện nay chủ yếu do công tác quản lý giáo dục nhiều yếu kém. Vì thế, cải cách giáo dục cần bắt đầu từ khâu quản lý, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhất định phải là những người có hiểu biết sâu sắc về giáo dục hiện đại và giữ được cái tâm. Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cần đổi mới công tác quản lý đối với các trường đại học, làm rõ các trường được tự chủ đến đâu? Mức độ phân công, phân cấp quản lý đối với các trường thế nào? đổi mới cơ chế tài chính ra sao?...

 

Giáo dục Việt Nam hiện chưa tạo được môi trường cho học sinh sáng tạo, tức học sinh thiếu tự lập, luôn phụ thuộc vào giáo viên. Không có không gian sáng tạo thì dẫu có học nhiều, đọc nhiều con người vẫn chỉ là mọt sách mà không thể đưa ra ý tưởng mới mẻ nào góp phần phát triển xã hội. Do đó, cần bổ sung vào nguyên lý giáo dục cơ bản hiện đại quan điểm “tự do, tự lập, tự trọng”. Cụ thể, cần thực hiện điều chỉnh nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng trang bị cho con người kiến thức đủ để lao động và thích ứng được với sự thay đổi thường xuyên của cuộc sống; trang bị đầy đủ kỹ năng sống; hình thành hệ tư tưởng không định kiến, có năng lực đối thoại, hợp tác khi hòa nhập cộng đồng.

 

Đại biểu Quốc Chấn, Hội Khoa học – tâm lý giáo dục Việt Nam : Cần coi trọng phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc trong cải cách giáo dục

 

Trải qua mấy ngàn năm luôn bị các thế lực ngoại bang lăm le xâm lược và đô hộ nhưng với lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, đất nước ta luôn tồn tại, phát triển. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp sẵn sàng được gạt bỏ vì lý tưởng chung là bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Đó chính là truyền thống và bản sắc văn hóa quý báu mà chúng ta cần học tập, phát huy qua các thế hệ, không chỉ để đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn để xây dựng đất nước, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay.

 

Nếu coi nhẹ bản sắc dân tộc, cụ thể ở đây là truyền thống yêu nước thương nhà, thương người, chí khí, bản lĩnh, không tham vật chất, danh vọng… thì đất nước ta sẽ khó vươn lên đuổi kịp các nước phát triển trong xu thế từng quốc gia đều cạnh tranh nhau ngày càng quyết liệt. Nền giáo dục phải đào tạo ra được những lớp người không chỉ có trình độ khoa học công nghệ cao, thông thạo nhiều ngoại ngữ… mà còn phải có phẩm chất, khí phách, sẵn sàng từ bỏ giàu sang, địa vị và danh vọng, hiến sức người, sức của đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Muốn vậy, cần chú trọng giáo dục các môn khoa học xã hội, làm cho học sinh hiểu từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Ngay các bộ môn khoa học tự nhiên cũng cần quán triệt bản sắc dân tộc qua nội dung, cách dạy, cách học… để người học được nuôi dưỡng ý thức là bản thân phải làm gì để đưa đất nước phát triển phồn vinh.

 

 

Đại biểu Phạm Văn Hồng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Đang có sự mất cân đối về giáo dục giữa các vùng miền

 

Trong phần kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng, phần khái quát những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo 5 năm qua là khá đầy đủ và có tính tổng hợp, khái quát cao, thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho phát triển giáo dục, đào tạo. Ở trang 55, dòng 6 (từ dưới lên) viết “việc huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục… được quan tâm”,  mới thể hiện được nguồn lực trong nước đối với giáo dục đào tạo mà chưa đề cập tới những nguồn lực từ các tổ chức giáo dục nước ngoài. Thiết nghĩ, cần bổ sung việc tạo cơ chế, huy động nguồn nhân lực, vật lực quốc tế trong đánh giá thành tựu giáo dục, đào tạo những năm qua.

 

Về hạn chế, khuyết điểm, mục B đã phản ánh, khái quát được những yếu kém, tồn tại của nền giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, nên có những bổ sung về câu từ và số liệu để đánh giá đúng với thực tiễn hơn. Cụ thể, trang 62 dòng 12 (từ dưới lên), đoạn “cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo” cần bổ sung “…. Không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo và khu vực”. Thực tế, giáo dục Việt Nam hiện đang tồn tại sự mất cân đối giữa các vùng miền. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân gây nên bức xúc trong xã hội hiện nay.

 

Thành Lê lược ghi

Đọc thêm