Núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn) nằm cao hơn 60m so với mực nước biển, án ngữ tại cửa Đại, là cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi. Ngọn núi này sở hữu một quần thể đá granite màu xám đủ hình thù kỳ lạ, tạo thành nhiều hang hốc, được người dân đặt cho những cái tên như hòn Chuông, hòn Trống, chùa Hang, hang Xeo Quẹo…
Đứng trên đỉnh núi Phú Thọ, có thể thưởng ngoạn quang cảnh bao la của dòng sông Trà Khúc và các xóm làng, vườn tược bên bờ sông… và mặt biển trải dài ra đến đường chân trời. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX - X, trên mặt thành có tháp Chăm.
Tuy nhiên, qua 30 năm được công nhận Di tích Quốc gia, hiện nay núi Phú Thọ đã bị biến thành một nghĩa địa tự phát với nhiều ngôi mộ mới. Phế tích thành Bàn Cờ đã bị tàn phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ.
Theo ghi nhận, hiện nhiều ngôi mộ tại đây xây bề thế nằm san sát nối nhau theo hình vòng xoáy trôn ốc từ chân đến đỉnh núi. Trong khi đó, các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất.
Chứng kiến sự đổi thay đáng buồn của một Di tích Quốc gia gần nơi mình đang sinh sống, anh Đinh Duy Sum (ngụ xã Nghĩa Phú) cho biết, núi Phú Thọ gắn liền với người dân địa phương bao đời. Trước đây, mọi người hay đến đây tham quan, ngắm cảnh. Nhưng khoảng 10 năm nay, những di tích trên núi dần hư hỏng, xuống cấp. Không những vậy, khu vực này người dân còn “phân lô”, xây dựng mồ mả. “Bây giờ chẳng mấy ai dám lên đó, trừ những gia đình có thân nhân được mai táng trên núi”, anh Sum nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho hay, theo phân cấp, giai đoạn trước, Di tích này do UBND huyện Tư Nghĩa quản lý. Đến ngày 1/4/2014, sau khi địa giới hành chính TP Quảng Ngãi được mở rộng, di tích núi Phú Thọ thuộc trách nhiệm của UBND TP.
TP Quảng Ngãi đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa Phú tăng cường quản lý và tuyên truyền, vận động người dân địa phương không mai táng người thân trên núi. Tuy nhiên, từ xã Nghĩa Phú đến nghĩa địa ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa khá xa nên người dân gặp khó khăn về chi phí mai táng, thăm viếng, chăm sóc mộ của người thân.
Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết thêm, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh, giai đoạn 2026 - 2030, sẽ thực hiện trùng tu, tôn tạo một số hạng mục xuống cấp gắn với phát triển du lịch đối với di tích quốc gia núi Phú Thọ và Cổ Luỹ Cô Thôn, với kinh phí dự kiến 15 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, di tích của tỉnh khá nhiều, tuy nhiên tồn tại dưới dạng địa điểm, nằm rải rác, phân bố ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn, nên chưa tạo được sự liên kết để phát triển hiệu quả cho các tuyến tham quan du lịch trong tỉnh. Nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để phục hồi, tu bổ.
Từ năm 2018 đến nay, hàng năm ngân sách cấp tỉnh bố trí từ 1,5 - 3 tỷ đồng để thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Tuy nhiên, kinh phí này không đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của tất cả các di tích được xếp hạng.
“Hiện nay, chưa có dự án đầu tư lớn về du lịch tại địa phương, vì đầu tư cho du lịch gắn với di tích phải qua nhiều thủ tục quản lý nhà nước, rủi ro cao, chậm thu hồi vốn, nên không hút được các nhà đầu tư”, ông Dũng nói.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Qua rà soát, chỉ có 98/254 di tích được cắm mốc giới, 41/254 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có khoảng 50/254 di tích bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt.