Cần giám sát hoạt động tái cấu trúc của các ngân hàng

Khép lại năm 2011, nhiều chuyên gia nhận định đây là một năm mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng toàn Thế giới rơi vào tình trạng hết sức bất ổn. Việt Nam cũng không nằm ngoài điều này.

Khép lại năm 2011, nhiều chuyên gia nhận định đây là một năm mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng toàn Thế giới rơi vào tình trạng hết sức bất ổn. Việt Nam cũng không nằm ngoài điều này.

Giao dịch tại một ngân hàng- ảnh minh họa

Thực trạng và những bất ổn…

Bắt nguồn từ những khó khăn này, nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng đã có phần bị động trong quá trình xắp xếp lại các ngân hàng thương mại (NHTM) trước đó.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NSFC) cho rằng: qúa trình xắp xếp lại các NHTM trong thời gian trước tái cấu trúc (TCT) là quá trình bị động. Nếu nhìn lại, chúng ta có thể thấy cứ xẩy ra cú sốc nào đó thì số lượng ngân hàng lại co hẹp, và khi có sự thuận lợi thì số lượng ngân hàng lại dôi ra. “Qúa trình đó không có một chiến lược tổng thể với một tầm nhìn, một mục tiêu, một biện pháp hình thức cụ thể, chính vì vậy nó bị ảnh hưởng từ những cú sốc cả bên ngoài cũng như bên trong.”

Tuy vậy, xét tổng thể, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn yếu kém, chứa đựng nhiều rủi ro, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các định chế tài chính và các công cụ tài chính, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Về thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc Sở Giao Dịch 3 – Ngân hàng phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: thị trường ngân hàng Việt Nam luôn chịu nhiều áp lực và nỗi lo về lạm phát cùng với lãi xuất cao xẩy ra, “bởi khi mà trong bối cảnh lạm phát cao thì rất khó để có thể duy trì mức lãi xuất thấp. Bên cạnh đó, tín dụng lại luôn “tỏa nhiệt”, trong khi tín dụng đen bị đổ bể hàng loạt, liên tục gây xáo trộn, bất ổn trên thị trường.”

Tuy nhiên, quy mô vốn của các ngân hàng Việt Nam còn rất nhỏ. Hiệu quả của các ngân hàng chưa cao theo chuẩn quốc tế. Thực trạng cũng cho thấy, nợ quá hạn và rủi ro thanh khoản ngày càng xấu đi của các ngân hàng. Việc cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng cũng là một yếu tố cần quan tâm…

Tiến sĩ Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định: nền kinh tế quá phụ thuộc ngân hàng, bởi khu vực ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế; hiện tượng rủi ro nhóm liên quan và rủi ro chéo, rủi ro liên thông giữa các thị trường bất động sản, chứng khoán…vẫn xuất hiện. “Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,11%, nhóm Ngân hàng Thương mại chiếm tỷ lệ nợ xấu cao nhất là 3,58%.”

Ông Tuấn cũng cho rằng: nguyên nhân để xẩy ra những vấn đề như vậy là do nền kinh tế biến động khó lường; nền kinh tế thế giới thì bất ổn, tăng trưởng trong nước giảm, lạm phát cao, thanh khoản khó khăn…“Hệ thống giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) và thị trường tài chính thì chưa đáp ứng kịp với quy mô và tốc độ phát triển của các TCTD. Quản trị doanh nghiệp thiếu minh bạch, quản trị rủi ro bộc lộ nhiều điểm yếu kém. Năng lực cán bộ quản lý không đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường do số lượng các TCTD ra đời và tăng trưởng quá nóng.”

Kinh nghiệm và giải pháp

Bên cạnh những bất ổn và rủi ro mà thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gặp phải, cùng với bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đặt ra một  vấn đề cấp thiết cho Việt Nam là cần TCT một cách toàn diện và đồng bộ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng như một yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.

Ông Sameer Goyal, điều phổi viên quốc gia, Phát triển khu vực tài chính tư nhân, Vùng Đông Nam Châu Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng: cần xác định được mục tiêu tổng thể rõ ràng và phương hướng cho việc TCT, như vậy sẽ dễ hiểu bản chất, phạm vi và mức độ của các vấn đề. “Mục tiêu TCT trước mắt là khôi phục các điều kiện tài chính ổn định cho phát triển kinh tế. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc “làm sạch” bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.”

Về các vấn đề trước mắt trong thời gian tới mà hệ thống các TCTD cần phải triển khai để có thể vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước theo nguyên tắc. Ông Tuấn cho biết, “cần hoàn thành và xử lý dứt điểm nợ xấu, có những bước “làm sạch” bảng cân đối tài sản, trên cơ sở đó phục hồi vững chắc và lâu dài tình hình thanh khoản; xây dựng lại chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng. Gắn tái cơ cấu TCTD với việc củng cố và phát triển hệ thống giám sát ngân hàng và giám sát tài chính…”

Tăng cường vai trò của bảo hiểm tiền gửi…Không những cơ cấu lại hệ thống các tổ chức phi ngân hàng mà cũng cần kiên quyết tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư. Thậm chí, tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bất động sản. "Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng. Nên ban hành quy định về quản lý rủi ro để tránh những điều không đáng xẩy ra. Tăng tính độc lập của NHTM và cơ quan giám sát ngân hàng." Tiến sĩ Lực nhấn mạnh.

Cũng không ít các chuyên gia nhận định, để xẩy ra những bất ổn và rủi ro mà hệ thống ngân hàng gặp phải trong tình trạng như hiện nay, một phần là do việc thiếu tính độc lập trong chính NHNN, một phần là do sự thay đổi quá nhanh của thị trường cũng như nhiều yếu tố khác tác động.

Ông Võ Đại Lược, (cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, cựu Thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng) góp ý thêm, còn nhiều điều quan trọng cần phải bàn, “Để TCT hệ thông ngân hàng, đầu tiên cần phải TCT chính NHNN, vì chính NHNN trước đó sinh ra những tổ chức hành chính, tín dụng. Và khi các tổ chức hành chính, tín dụng ra đời thì nó đã yếu kém rồi. Đứng về mặt chức năng thì NHNN cần phải có tính độc lập, NHNN càng độc lập bao nhiêu thì chính sách tiền tệ càng có thể phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhưng có vẻ như tính độc lập của NHNN lại quá ít.”

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay Bộ Công Thương), ông Trương Đình Tuyển cho rằng: Do sự thay đổi và phát triển rất nhanh của khoa học và công nghệ cùng với sự biến đổi liên tục của thị trường…nó làm dịch chuyển năng lực cạnh tranh giữa các ngân hàng, các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng yếu kém của các ngân hàng, các doanh nghiệp. "Vì vậy, quan điểm của tôi là quá trình TCT là quá trình diễn ra tương đối liên tục."

Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới là việc phụ thuộc vào tình hình chung của nền kinh tế toàn cầu. Nếu tình hình nền kinh tế toàn cầu khó khăn hơn năm nay thì sẽ tác động rất mạnh đến xuất nhập khẩu, đến đầu tư, đến kiều hối… Như vậy, đương nhiên sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính ngân hàng của nước ta. Đặc biệt, khi mà ngân hàng của nước ta cũng đã vươn ra nước ngoài đáng kể.

Đồng quan điểm với ông Tuyển, không ít các chuyên gia cũng nhận định, quá trình TCT cần liên tục và liên tục. Nhưng hiện tại các TCTD, những định chế tài chính… vẫn còn đang yếu kém, nó gây nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống. Nên có những biện pháp cần thiết để củng cố và ngăn chặn các rủi ro cho toàn hệ thống ngân hàng. Còn về biện pháp lâu dài, cần thiết lập một hệ thống, nền tảng, hạ tầng cơ sở tài chính…phải vững chắc.

"Có 3 vấn đề hết sức quan trọng trong TCT mà cần phải xem xét đó là chuẩn mực trong TCT, giám sát quá trình TCT và hỗ trợ các vấn đề trong TCT.” Ông Tuyển nhấn mạnh.

Nguyễn Thọ

Đọc thêm