Cần giữ nguyên tắc giám sát ngân hàng

(PLVN) - Đó là một trong những góp ý đáng chú ý của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng.
VCCI kiến nghị giữ nguyên tắc “giám sát ngân hàng… đảm bảo tính chính xác” (Ảnh minh họa)
VCCI kiến nghị giữ nguyên tắc “giám sát ngân hàng… đảm bảo tính chính xác” (Ảnh minh họa)

So với quy định hiện hành, Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng (Dự thảo) đã sửa đổi nguyên tắc giám sát ngân hàng, theo đó bỏ đi quy định “giám sát ngân hàng phải… bảo đảm chính xác”. 

Theo đó, quy định này được giải trình “loại bỏ yêu cầu hoạt động giám sát phải đảm bảo tính chính xác trong việc tiếp nhận và kiểm duyệt số liệu báo cáo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lý do là: Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; Thứ hai, chỉ có thể đánh giá được tính chính xác của số liệu báo cáo thông qua hoạt động thanh tra tại chỗ khi tiến hành đối chiếu và kiểm tra hồ sơ tài liệu gốc”.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị đại diện Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, việc bỏ quy định về nguyên tắc trên và giải trình từ phía Ban soạn thảo chưa thực sự hợp lý. 

Bởi, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo thì giám sát ngân hàng việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng để nhằm “phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng”. Nếu việc thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin về đối tượng giám sát không đảm bảo “tính chính xác” thì sẽ ảnh hưởng đến việc phát hiện, ngăn chặn và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, theo quy định về trình tự, thủ tục giám sát an toàn vi mô, vĩ mô tại Chương II, Chương III Dự thảo thì trong giai đoạn thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu thì đơn vị thực hiện giám sát có “rà soát tính logic”, “tính hợp lý” đối với số liệu báo cáo của từng đối tượng giám sát ngân hàng; “khi phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu bị thiếu, lỗi, sai hoặc có nghi vấn” đơn vị thực hiện giám sát yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng, tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo, thông tin kịp thời để chính sửa, xác nhận lại nội dung. 

Như vậy, theo quy trình này thì cơ quan giám sát ngân hàng sẽ phải xem xét đến tính chính xác của các thông tin do đối tượng giám sát ngân hàng cung cấp. Do đó, giải trình trên dường như chưa thật phù hợp.

Từ phân tích trên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần giữ nguyên quy định hiện hành về nguyên tắc “giám sát ngân hàng… đảm bảo tính chính xác”.

Về vấn đề giải trình của đối tượng bị giám sát, theo quy định tại Điều 22 Dự thảo thì trong một số trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng phải giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thời hạn giải trình được quy định trong “văn bản yêu cầu giải trình”. 

Góp ý về vấn đề này, một số doanh nghiệp cho rằng, việc không quy định rõ về thời hạn giải trình tại Dự thảo khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tác động đến quyền lợi hợp pháp của các ngân hàng (ví dụ: thời hạn yêu cầu quá ngắn khiến cho ngân hàng không đủ thời gian để thực hiện giải trình). 

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, có thể việc quy định cứng về thời hạn giải trình là chưa phù hợp vì có nhiều trường hợp khác nhau và độ phức tạp khác nhau phải giải trình. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, các chuyên gia pháp luật kiến nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc quy định về thời hạn tối thiểu phải giải trình, còn thời hạn cụ thể trong từng trường hợp sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Mặt khác, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo không quy định hướng xử lý cho trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng không giải trình đúng thời hạn hoặc không giải trình thì sẽ giải quyết như thế nào? Do đó, các đơn vị này cũng kiến nghị cần xem xét bổ sung quy định này.

Đọc thêm