Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về thuốc lá thế hệ mới

(PLVN) - Hút thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản… Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đâu mới là nguyên nhân thực sự gây ra các căn bệnh liên quan tới việc hút thuốc lá.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số người qua đời vì các bệnh liên quan tới khói thuốc mỗi năm tại Việt Nam lớn hơn gấp 3 lần so với số người nhiễm HIV và tai nạn giao thông. Thủ phạm thường được gán cho nicotin, một thành phần tự nhiên chủ yếu có trong cây thuốc lá. 

Thực tế, nguyên nhân chính gây ra các tác động xấu lên sức khỏe chính là khói thuốc lá tạo ra trong quá trình đốt và rít thuốc. Việc đốt cháy tạo ra khói, than, nhựa và hàm lượng các hóa chất gây hại cao, đặc biệt là hắc ín (tar).

Khi đốt cháy, khói thuốc lá sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất cực độc tác động trực tiếp đến phổi gây ung thư cũng như tất cả các cơ quan khác. Đáng nói, quá trình đốt cháy nhả khói ra môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp lên những người hút thuốc lá thụ động, mà đôi khi chính họ còn chịu nhiều tác động nguy hiểm hơn hút trực tiếp. 

Giải thích cho nguy cơ này, PGS. TS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết: “Người hút chủ động thì một phần khói thuốc lá được lọc bởi đầu lọc nhưng người thụ động kế bên thì lãnh đủ vì không có lọc. Do đó, người hút chủ động ít chịu ảnh hưởng bởi khói thuốc hơn người hút thụ động.

Điều này rất nguy hiểm vì phụ nữ mang bầu và trẻ em là hai đối tượng rất nhạy cảm có thể dẫn đến những bệnh phổi mãn tính. Thậm chí không phát bệnh ung thư phổi thì cũng rất dễ bị nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi làm cho hệ thống bảo vệ vật lý của đường hô hấp bị tổn thương, mất chức năng”.

Để loại bỏ hoàn toàn tác hại của khói thuốc lá, người hút thuốc lá được khuyến khích bỏ đồng thời nicotin và thuốc lá. Thế nhưng, nhiều người dù quyết tâm bỏ thuốc lá nhiều lần vẫn không từ bỏ được. Trên thực tế, tỷ lệ cai nghiện thuốc lá hiện nay rất thấp.

“Chỉ có khoảng 8% người hút thuốc lá trên thế giới có thể cai nghiện được thành công. Ở Việt Nam con số này còn thấp hơn nữa, trong khi đó tỷ lệ cai nghiện cocain là 45%. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, chúng tôi có đơn vị tư vấn cai nghiện thuốc lá và thấy rằng tỷ lệ tái nghiện là rất cao” - PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.

Để hỗ trợ việc bỏ hút thuốc lá, các biện pháp sử dụng nicotin thay thế bằng cách loại bỏ quá trình đốt cháy được nghiên cứu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, miếng dán, kẹo ngậm nicotin chỉ giúp người hút “phê” nicotin chứ không thỏa mãn được thói quen cầm, ngậm, hút thuốc và nhả khói. Điều này lý giải tại sao những biện pháp này dù được đưa vào thực tiễn đã lâu nhưng lại không phổ biến và không đủ thuyết phục được những người hút thuốc chấp nhận sử dụng để làm công cụ cai thuốc lá.  

Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá làm nóng và cả thuốc lá điện tử hiện đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng vì mô phỏng được hành vi hút thuốc của người dùng. Nhiều ý kiến cho rằng với cơ chế làm nóng nguyên liệu thuốc lá hoặc tinh dầu có chứa nicotin, các sản phẩm này làm nóng và không tạo ra quá trình đốt cháy nên loại bỏ phần lớn hàm lượng các hóa chất độc hại có trong khói thuốc.

Dù vậy, người hút thuốc, kể cả việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được khuyến cáo rằng không có thuốc lá nào tốt cho sức khỏe. Chỉ có bỏ thuốc lá và nicotin đồng thời mới là phương pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo sức khỏe chính bản thân và người xung quanh. 

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chính sách quản lý cụ thể đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Vì vậy, việc xây dựng một khung pháp lý đối với các sản phẩm thế hệ mới hết sức cần thiết.

Đọc thêm