Trong công tác thi hành án dân sự nếu không có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan có liên quan với cơ quan Thi hành án dân sự thì việc tổ chức thi hành án khó đạt được hiệu quả cao. Nhìn nhận một cách đầy đủ từ thực tiễn, thì kết quả thi hành án dân sự có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan có liên quan.
|
Một vụ cưỡng chế thi hành án phối hợp giữa các lực lượng liên ngành |
Đặc điểm của công tác thi hành án dân sự là việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan từ khi thụ lý ra quyết định đến khi kết thúc việc tổ chức thi hành án. Theo qui định của Luật thi hành án dân sự thì mỗi giai đoạn tổ chức thi hành án dân sự đều có sự tham gia phối hợp của các cơ quan có liên quan, như: việc tống đạt quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, động viên, giáo dục thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành đến giai đoạn tổ chức kê biên, cưỡng chế giao tài sản…
Đối với trường hợp xác minh điều kiện thi hành án thì Luật qui định phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh, do đó đây là lực lượng phối hợp không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, trong đó cán bộ tư pháp, Công an xã, tổ dân phố là lực lượng tích cực và thường xuyên tham gia phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, họ tham gia từ việc tống đạt, xác minh, động viên, theo dõi, cung cấp thông tin, tham gia giáo dục thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành đến giai đoạn tổ chức kê biên, giao tài sản, giúp chấp hành viên thực hiện các thủ tục quan trọng trong từng giai đoạn tổ chức thi hành án.
Một lực lượng nữa cũng thường xuyên tham gia phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đó là cơ quan Công an cùng cấp. Đây cũng là lực lượng hết sức quan trọng, phối hợp bảo vệ cơ quan Thi hành án dân sự khi tổ chức cưỡng chế thi hành án và lực lượng này gần như quyết định thành công hay thất bại đối với các vụ việc cưỡng chế lớn, phức tạp, có ảnh hướng đến an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ngoài ra, còn có Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và nhiều cơ quan khác cũng thường xuyên tham gia, phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, như: Viện Kiểm sát nhân dân, Tài nguyên, môi trường, Tài chính … và sự phối hợp đó góp phần không nhỏ trong kết quả chung của công tác thi hành án dân sự.
Vì vậy, những thành tích của họ cần được ghi nhận, biểu dương, khen thưởng, nhằm động viên, khích lệ tinh thần phối hợp công tác.
Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 06/2011/TT-BTP, ngày 07/3/2011 về công tác thi đua khen thưởng trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì chưa đưa các đối tượng này vào khen thưởng hàng năm. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần xem xét qui định khen thưởng hàng năm với tỷ lệ hợp lý đối với các cơ quan, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tham gia phối hợp thi hành án dân sự.
Công Hoàng
(Cục THADS Bình Định)