Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/4/2007 đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, phục vụ tích cực cho việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã thúc đẩy hợp tác giữa các cấp, các ngành, các tổ chức góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp như bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở trong nước nói chung…
Tuy nhiên, thực tiễn 10 năm thi hành Pháp lệnh đã phát sinh một số bất cập nên cần phải nghiên cứu, hoàn thiện quy định về công tác thỏa thuận quốc tế. Theo đó, việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội.
Vì vậy, dự thảo Luật cần làm rõ phạm vi áp dụng và nội dung, mục tiêu của các chính sách, đơn giản hóa trình tự thủ tục ký kết; bổ sung, điều chỉnh các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và bảo đảm thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan.
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của đại diện các bộ, ngành, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ một số vấn đề như cơ sở pháp lý; phải làm sâu sắc hơn sự cần thiết để xây dựng Luật dựa trên nhu cầu thực tiễn. Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, cần xác định rõ ràng để không trùng lặp với các luật khác đã ban hành. Đặc biệt, Ban soạn thảo nên làm rõ tên và nội dung của các chính sách đã đưa ra trong cuộc họp; ngoài ra cần hoàn thiện thêm tài liệu của dự thảo Luật và đơn giản hóa thủ tục hơn nữa.