Cần một “chiếc gậy” cho cơ quan bảo hiểm

(PLO) - Hiện số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cả nước là 16 triệu người, nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tương ứng với số thu khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thất thoát này đang tác động ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.  
Trốn bảo hiểm như… trốn tà
Ông Nguyễn Dương - Phó phòng Thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội cho hay, đối với các đơn vị nợ đọng, cơ quan BHXH sử dụng nhiều cách để đôn đốc. Bản thân cán bộ và nhân viên phụ trách đi đôn đốc, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì phối hợp với đoàn thanh tra liên ngành của  thành phố. Đến lúc thanh tra rồi mà doanh nghiệp vẫn chây ỳ thì khởi kiện ra tòa. 
“Doanh nghiệp nợ đa phần là cố tình chây ỳ nên cũng cố tình không tiếp. Chỉ cần chúng tôi đến cổng, nhân viên bảo vệ đã thông báo lãnh đạo và những người có trách nhiệm đều đi vắng hết. Có doanh nghiệp “tử tế hơn”, khi nói chúng tôi đại diện cho bảo hiểm xã hội xuống làm việc, câu hỏi đầu tiên là “anh đặt lịch chưa?”, nếu đặt rồi thì họ chỉ cử nhân viên ra làm việc nên mọi vấn đề không được giải quyết, vẫn chỉ là hứa hẹn là thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo công ty” – ông Dương kể.  
Đoàn Thanh tra liên ngành của thành phố phối hợp với 5 sở, ngành đã thanh tra 81 đơn vị với số tiền nợ đọng 202 tỷ đồng, đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra tại 24 đơn vị, đã thu được 70 tỷ đồng, đôn đốc thu được trên 7 tỷ đồng.
Nhìn nhận thực trạng này, ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc của họ còn hạn chế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra. Cũng có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ BHXH, BHYT. 
Xem xét trách nhiệm hình sự chủ doanh nghiệp chây ỳ bảo hiểm xã hội
Trước thực trạng này, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám lần này sẽ trao cho cơ quan BHXH quyền được thanh tra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như trao quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ mà không có chế tài xử lý thì chẳng khác gì vẫn “bình mới, rượu cũ”, tình trạng nợ bảo hiểm vẫn khó có khả năng thuyên giảm. 
Khoản 2 Điều 138 (Luật BHXH) và Khoản 1 Điều 49 (Luật BHYT) đều quy định cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành lại không quy định tội danh liên quan đến hành vi này, do vậy các hành vi nợ, trốn BHXH và BHYT không thể xử lý hình sự. 
Tại Hội thảo khoa học về vấn đề thu nợ BHXH, BHYT do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các ngành liên quan tổ chức mới đây, các đại biểu đã thống nhất kiến nghị Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
“Theo Luật Quản lý thuế, nếu doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế có thể sử dụng các biện pháp mạnh tay, như dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên, bán đấu giá tài sản, thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề…. Theo chúng tôi, bên cạnh việc áp dụng các chế tài mạnh cho doanh nghiệp nợ đọng BHXH, thậm chí còn phải xem xét trách nhiệm hình sự của chủ doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH. Có thế mới mong chấm dứt được tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài” – một chuyên gia chia sẻ.

Đọc thêm