Quỹ bảo hiểm "hấp hối" tính chuyện chỉnh lại tuổi hưu

(PLO) - Đến nay, mới có khoảng 20% lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ) khiến chính sách BHXH đang đứng trước nguy cơ “hấp hối”.
Quỹ bảo hiểm "hấp hối" tính chuyện chỉnh lại tuổi hưu
Quốc hội vừa thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Đây là dự thảo luật nhận được ít sự đồng thuận ngay khi Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ do nhiều đề xuất trong Dự thảo này “đi ngược” và chưa thể hiện rõ được nguyên tắc “BHXH là nguồn tiền tiết kiệm của người lao động”. 
Theo nhiều ĐBQH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phải xem xét để có những qui định thực sự quan tâm đến những giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thụ hưởng chính sách BHXH và tăng trách nhiệm của các Bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan BHXH đối với sự cân đối của Quỹ BHXH, chứ không chỉ tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan BHXH “ôm tiền hưởng lợi”. 
Bảo đảm khả năng an sinh cho người đóng BHXH
Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng, việc sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đến 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân (thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, đồng thời Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH) và đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH (thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động).
Để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. 
Nhưng nhiều ĐBQH đề nghị thực hiện qui định của Bộ luật Lao động “mở” về độ tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn mà không cần qui định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nữa.
Dự thảo Luật đã thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động là: Từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm. 
Mặc dù có ĐBQH cho rằng khi thay đổi cách tính lương hưu như trên là làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (mức hưởng chênh lệch 10% đối với nam và 15% đối với nữ); nhưng nhiều ĐBQH lại thấy việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng như vậy nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành (thời gian đóng ít, mức đóng thấp; thời gian hưởng dài, mức hưởng cao hơn so với mức đóng), từng bước thực hiện nguyên tắc cân đối đóng - hưởng và bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng nhằm mục tiêu bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm hưu trí. 
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hàng tháng thì phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu giữa các thời kỳ. 
Đồng thời, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc người lao động được bảo đảm hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu nhằm bảo đảm khả năng an sinh cho người lao động tham gia đóng BHXH giữa các thời kỳ khác nhau.
Công khai sử dụng phần sinh lời từ Quỹ BHXH
Chính phủ cho rằng, hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH chưa bảo tồn được giá trị của Quỹ, lãi suất đầu tư luôn ở dưới chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) (lãi suất đầu tư bình quân của giai đoạn 2007 - 2012 chỉ khoảng 9,5%/năm, trong khi CPI bình quân là 13,2%/năm, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu bình quân là 15,2%/năm). Một trong những nguyên nhân của hiệu quả đầu tư Quỹ chưa cao là do hình thức đầu tư được quy định trong luật chưa thật đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp.
Theo qui định của Dự thảo Luật, cơ quan BHXH được phép đầu tư phần kết dư Quỹ BHXH bằng hình thức “gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” và hình thức đầu tư “ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư”. Đây là cách để sinh lời, tạo tăng trưởng và bảo tồn giá trị của Quỹ. 
Không phản đối qui định này, song không ít ĐBQH thấy rằng cần có qui định cụ thể hơn về việc sử dụng phần sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và hiệu quả, chứ không thể để cơ quan BHXH và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành “âm thầm” sử dụng phần sinh lời này là không công bằng cho người đóng BHXH vì Quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp, chứ không phải tiền của ngân sách nhà nước hay của xã hội “bố thí” cho người lao động. Đề xuất này xuất phát từ những lo ngại của ĐBQH về việc sử dụng kết dư Quỹ BHXH “tạo ra kẽ hở cho việc lạm dụng số tiền BHXH” vì hiện việc sử dụng kết dư gửi tiết kiệm, sinh lời chưa có báo cáo cụ thể.
Đồng thời, ĐBQH cũng kiến nghị BHXH Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa công tác BHXH và cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo sử dụng chi phí hợp lý vì cơ quan này đang đề xuất dành tối đa không quá 3% tổng số thu BHXH hàng năm cho chi phí quản lý BHXH (thay vì 2% so với qui định hiện hành).
* ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai): 
Quỹ BHXH khó lo được cho bộ máy cồng kềnh
 - Sửa đổi Luật BHXH phải thể hiện được tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để giải quyết được những vấn đề tồn tại trong thực hiện Luật BHXH hiện nay, chứ không phải vì thấy khó rồi tính thụt lùi như đặt vấn đề lo ngại mất cân đối Quỹ BHXH mà phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đảm bảo cân đối Quỹ BHXH phải bằng các giải pháp, chế tài để thu đủ Quỹ, xử lý những chủ thể không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Nhưng Dự thảo đã không chọn mà chọn giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu là không hợp lý. Cũng phải tính đến việc thực hiện tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, nhất là yếu tố con người, tổ chức bộ máy. Nếu cứ để bộ máy cồng kềnh như hiện nay thì Quỹ BHXH không thể đủ sức lo.
* ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng): 
Cần tính đến trách nhiệm của cơ quan BHXH đối với sự cân đối Quỹ BHXH
 - Dự thảo Luật cần tính đến trách nhiệm của BHXH đối với việc vỡ Quỹ trong những năm tới vì cơ quan BHXH chưa hoàn thành nhiệm vụ thu đủ số tiền BHXH dù đã khiến cử tri thấy khó đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để “cứu” Quỹ BHXH. Nâng tuổi nghỉ hưu không hoàn toàn là biện pháp tích cực, nhất là khi đang có khoảng 72.000 người ở tuổi lao động bị thất nghiệp và không đảm bảo chất lượng lao động của nhiều người lao động trong lĩnh vực sản xuất như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã từng kiến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) đã có qui định rõ về độ tuổi lao động nói chung và độ “mở” để kéo dài tuổi lao động cho một số đối tượng, nhưng không quá 5 năm so với qui định chung. Vì thế, Luật BHXH phải theo qui định của BLLĐ chứ không thể tự mình qui định về nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mà mục đích chủ yếu là để “cứu” Quỹ BHXH đang gặp nguy do chính cơ quan BHXH.

Đọc thêm