Cần một chính sách tín dụng mới về sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giúp trên 3 triệu lượt hộ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng doanh số cho vay tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg đạt trên 84 nghìn tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 27 nghìn tỷ đồng; dư nợ bình quân khoảng 39 triệu đồng/hộ; nợ quá hạn chiếm 0,21% dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,37% dư nợ. Trong khi đó, tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg tổng doanh số cho vay đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 180 tỷ đồng; dư nợ bình quân 46 triệu đồng/khách hàng; nợ quá hạn hiếm 1,08% dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,52% dư nợ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chương trình tín dụng vùng đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình SXKD, thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD, hoạt động thương mại. Vốn cho vay ưu đãi được triển khai cho vay đến 100% xã thuộc khu vực khó khăn trong cả nước, đã khơi dậy được tiềm năng phát triển kinh tế của vùng, nhân dân có điều kiện phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vấn đề xác định vùng khó khăn, đối tượng được thụ hưởng...

Cần một chính sách tín dụng phù hợp hơn

Theo Bộ Tài chính, tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg quy định vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách bao gồm các xã trong danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đến nay, danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn đã nhiều lần được cập nhật, sửa đổi. Do đó, quy định danh mục theo một quyết định cụ thể nêu trên chưa bám sát với thực tế thay đổi.

Có trường hợp một số thôn không thuộc danh mục các xã vùng khó khăn nhưng lại thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn. Do đó, việc quy định “vùng khó khăn” chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã đã dẫn đến trường hợp các thôn đặc biệt khó khăn nhưng lại không được thụ hưởng chính sách.

Về đối tượng được vay vốn của chương trình tín dụng đối với hộ SXKD tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg: Quy định đối tượng hiện nay theo hướng “các hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo” để tránh việc các hộ gia đình đã được vay vốn SXKD theo chương trình tín dụng hộ nghèo tiếp tục được vay vốn trùng lắp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều chương trình tín dụng cho hộ gia đình để SXKD khác như chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm. Do đó, để tránh việc cho vay trùng lắp cùng một khách hàng giữa các chương trình thì cần phải bổ sung làm rõ trong quy định đối tượng được vay vốn.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, mức cho vay tối đa đối với hộ SXKD và thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế khoán là 50 triệu đồng (đã được nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng vào năm 2016). Tuy nhiên, theo đánh giá của NHCSXH, mức cho vay hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ SXKD và thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn.

Ngoài ra, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng vùng khó khăn đã được điều chỉnh giảm xuống mức 0,8%/tháng (theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 09/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ) và xuống mức 0,75%/tháng (theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015). Tuy nhiên, các văn bản điều chỉnh lãi suất nêu trên là văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để đảm bảo căn cứ pháp lý thì vẫn cần thiết sửa đổi quy định về lãi suất cho vay của Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg.

Một bất cập khác là theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, hình thức bảo đảm tiền vay duy nhất là bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, đa số hộ SXKD vùng khó khăn vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh hàng hóa nhỏ, lẻ. Vốn vay chủ yếu đầu tư vào vốn lưu động để mua nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các loại hàng hóa với thời gian luân chuyển ngắn. Sau khi tài sản đảm bảo tiền vay được hình thành, NHCSXH không thể kiểm soát được tình trạng về tài sản dẫn đến công tác xử lý tài sản đảm bảo không thực hiện được.

Từ thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng, ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung các chương trình tín dụng vùng là cần thiết.

Đọc thêm