Song, qua 2 năm thực hiện, TS.Đỗ Xuân Lân – Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra ngay trong việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) để khắc phục vướng mắc, bất cập từ thực trạng TCPL của người dân tại cơ sở, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong công tác này.
Nhiều khó khăn để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
- Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL theo Quyết định 09 là yếu tố quan trọng để nâng cao hiểu biết pháp luật của cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, thực trạng chính sách, pháp luật về TCPL của người dân tại cơ sở còn vướng mắc. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Qua thực tiễn hơn 02 năm triển khai thực hiện Quyết định 09 cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, nhất là việc chính quyền địa phương đề ra các giải pháp cụ thể để cải thiện điều kiện TCPL cũng đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, nhất là từ góc độ nhận thức lý luận, thể chế, chính sách đến cơ chế tổ chức thực hiện làm cho việc đánh giá, công nhận địa phương (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) đạt chuẩn TCPL gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở thành hình thức, trùng lắp với việc đánh giá trên một số lĩnh vực khác, tạo gánh nặng cho chính quyền cấp cơ sở, nhất là cho ngành Tư pháp.
Điều đó là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở nên chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện còn thiếu nhịp nhàng. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 09 rất chậm, phải làm đi làm lại nhiều lần nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, đánh giá kết quả; một số nơi khi tiến hành đánh giá còn qua loa, chiếu lệ, làm cho xong việc nên dễ dẫn đến hình thức, không thực chất trong khi thiếu công cụ để kiểm nghiệm, đánh giá lại kết quả.
Qua thực tiễn 01 năm triển khai làm thử đánh giá địa phương đạt chuẩn TCPL, các địa phương đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là những vấn đề mà Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân tích và dự báo trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhưng lại chưa có điều kiện kiểm nghiệm trong thực tiễn. Sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc đánh giá địa phương đạt chuẩn TCPL trong phạm vi cả nước để triển khai làm thử việc đánh giá tại 05 tỉnh, thành phố, các địa phương đã tiến hành đánh giá dựa trên các chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ Tiêu chí đánh giá.
Kết quả đánh giá từ thực tiễn làm thử cũng đã cho thấy một số chỉ tiêu, tiêu chí TCPL trong Bộ Tiêu chí vẫn còn chung chung, định tính dẫn tới khó khăn trong thống kê, đánh giá, chấm điểm; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương; nội dung một số chỉ tiêu có sự trùng lắp, chồng chéo với các Bộ chỉ số về cải cách hành chính, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nông thôn mới.
Đặc biệt, qua đánh giá tại 03 cấp chính quyền (xã, huyện, tỉnh) theo quy định tại Quyết định số 09 cũng cho thấy quy trình đánh giá địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về TCPL còn phức tạp, việc phân cấp thiếu hợp lý dẫn tới dồn việc cho cấp tỉnh, tạo thêm gánh nặng cho cơ quan tư pháp địa phương do không thu hút được sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Việc đánh giá được thực hiện hàng năm và đại trà nhưng thời gian đánh giá lại quá ngắn. Thực tiễn một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có ý kiến cho rằng quy trình đánh giá chưa bảo đảm tính dân chủ vì chưa có cơ chế để người dân thể hiện ý kiến, quan điểm đối với kết quả tự đánh giá của chính quyền.
Quyết định số 09 đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đạt chuẩn TCPL. Bộ Tư pháp cũng đã hướng dẫn các địa phương phân công cụ thể trách nhiệm triển khai thực hiện cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã. Tuy nhiên, do trách nhiệm được quy định chưa rõ ràng nên nhiều địa phương chưa xác định rõ được trách nhiệm, chưa huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Từ thực tiễn cho thấy việc đánh giá hầu như do cơ quan tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện, trong khi đó họ lại không có đầy đủ thông tin về nội dung cần đánh giá.
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cả chủ quan và khách quan. Theo ông, nguyên nhân nào là chính?
Từ thực tiễn cho thấy, TCPL nói chung, chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở nói riêng là một nhiệm vụ mới, nhiều vấn đề lý luận chưa được nghiên cứu, làm sáng tỏ. Chúng ta cũng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cả trong nước và nước ngoài về vấn đề này nên trong quá trình triển khai thực hiện phải vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, vì thế không thể không có những lúng túng nhất định.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật của nước ta còn thiếu ổn định, lại đang trong quá trình hoàn thiện, thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Nhiệm vụ giao cho ngành Tư pháp nói riêng, chính quyền cơ sở nói chung ngày càng nhiều, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, áp lực triển khai công việc rất lớn.
Về góc độ thể chế, chính sách, Quyết định số 09 cũng còn một số quy định chưa hoàn thiện như trên đã phân tích, nhất là trong từng chỉ tiêu, tiêu chí vẫn còn định tính, khó lượng hóa thông qua các số liệu thống kê nhà nước, thậm chí rất khó đánh giá do liên quan đến nhiều lĩnh vực, văn bản mà mỗi lĩnh vực, văn bản đó đòi hỏi phải được bóc tách cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn làm căn cứ để đánh giá, chấm điểm.
Ngoài ra, một số tiêu chí, chỉ tiêu có nội dung trùng lắp, chồng chéo với một số Bộ tiêu chí, chỉ số hiện có (cải cách thủ tục hành chính, nông thôn mới, văn hóa cơ sở…) nhưng cách chấm điểm, trình tự và thẩm quyền đánh giá được thực hiện không thống nhất; thiếu nguồn lực, cả về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho việc triển khai thực hiện, nhất là nguồn kinh phí khen thưởng, biểu dương địa phương đạt chuẩn TCPL …
Tăng cường trách nhiệm cộng đồng, bám sát nhu cầu người dân
- Từ thực tế đó, theo ông, cần có giải pháp nào để hoàn thiện chính sách, pháp luật về TCPL của người dân tại cơ sở?
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền được thông tin, TCPL của người dân trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để thiết lập một mô hình khả thi nhất. Theo đó, cần nhận diện và làm rõ nội hàm, đặc trưng của các khái niệm này, đặt TCPL trong mối quan hệ với quyền được tiếp cận thông tin về chính sách pháp luật của công dân.
Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở để đánh giá đúng đắn, đầy đủ những kết quả đạt được, những ưu điểm, bài học được rút ra để kế thừa, phát triển; nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập và dự báo xu hướng phát triển để đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về TCPL và TCPL của người dân tại cơ sở.
Ngoài ra, cần tiếp tục đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về TCPL của người dân tại cơ sở, nhất là trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật Tiếp cận thông tin. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả, dự liệu đầy đủ các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này.
Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể từ Trung ương đến địa phương và từng cơ quan, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, và quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội tham gia đánh giá, kiểm tra, giám sát đối với kết quả đánh giá địa phương đạt chuẩn TCPL, trong đó trước hết và chủ yếu là huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân vào công tác này.
Về lâu dài, cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ chế, chính sách, mô hình hỗ trợ, giúp đỡ pháp luật cho người dân nói chung, tại địa bàn cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa nói riêng theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nhu cầu của người dân; giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý để hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại.
- Trân trọng cảm ơn ông!