Cân nhắc đánh thuế 0 - 5% với mặt hàng phân bón

(PLVN) - Tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm về mức đánh thuế đối với sản phẩm phân bón khi cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Toàn cảnh Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc. (Ảnh: quochoi.vn)
Toàn cảnh Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), phân bón được đưa vào mặt hàng chịu thuế 5%. Điều này được cho là giúp doanh nghiệp (DN) trong nước không bất bình đẳng với DN nhập khẩu và được hoàn thuế, để tạo nguồn lực cho DN có thể đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.

Nêu quan điểm về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho biết, theo báo cáo, sản lượng phân bón trong nước chiếm khoảng 73%, bây giờ nếu đánh thuế từ 0 - 5% thì đây là thuế gián thu, cuối cùng người nông dân phải chịu giá trị đầu vào. Trong trường hợp đưa lên 5%, DN sản xuất phân bón được khấu trừ 5%, có tác dụng cạnh tranh giữa DN sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu. Nếu chúng ta có chính sách quay trở lại giảm giá phân bón trong nước nhưng thực tế rất khó thực hiện vấn đề này, cuối cùng người nông dân của chúng ta phải chịu ảnh hưởng, chắc chắn giá phân bón sẽ tăng lên, như thế không thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết 19 (của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Với chủ trương phải bảo vệ người nông dân của chúng ta, giữ hài hòa giữa các lợi ích, ông Thanh đồng tình quy định 0%, vì như vậy, giá phân bón trong nước không tăng, người nông dân không bị ảnh hưởng.

Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Trường Giang đề xuất, đối với mặt hàng phân bón, nếu không giữ được như hiện hành (không thuộc diện chịu thuế) thì áp thuế 0% để DN được hoàn thuế. Trước ý kiến một số chuyên gia cho rằng áp thuế 0% chỉ đối với hàng xuất khẩu, ông Giang phân tích, nếu chúng ta áp thuế 0% thì DN vẫn được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước, tức là ngân sách nhà nước mất khoảng 1.500 tỷ/năm, theo tốc độ tăng có thể lên đến 2.000 tỷ nhưng giá bán cho người nông dân không tăng và ổn định được. Điều này phù hợp với nghị quyết của Đảng về tam nông.

Qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới phản ánh, bà con chỉ thấy sản xuất nông nghiệp đã khó mà sản xuất nông nghiệp phải có phân bón nhưng lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc người ta sẽ có một phản ứng ngược. Do đó, từ góc độ bảo vệ sản xuất của người nông dân và để ổn định an ninh nông thôn của đất nước, ông Tới đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra thực hiện theo chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua, chính sách miễn thuế, không tính thuế đối với phân bón và nhiều hàng hóa vật tư nông nghiệp khác tưởng như là ưu đãi nhưng thực ra tạo ra một gánh nặng rất lớn cho ngành hàng trong nước. Với năng lực sản xuất dư thừa trên thế giới hiện tại, thời gian tới có lẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chia sẻ quan điểm lo ngại việc áp thuế 5% cho phân bón có thể làm chi phí phân bón tăng, ông Tuấn cho rằng, dưới góc nhìn của VCCI chưa hẳn tăng. Bởi năng lực sản xuất phân bón của chúng ta rất lớn, nếu áp dụng thuế 5% có nghĩa là nhập khẩu vào cũng chịu 5% và trong nước thì chi phí sản xuất giảm, như vậy phân bón trong nước có thể chiếm lĩnh được thị trường. Nghĩa là trường hợp chúng ta chủ động và có sự kết hợp nhiều giải pháp khác nữa thì rằng mặt hàng phân bón là mặt hàng chúng ta có thể kiểm soát giá được. Từ đó, ông Tuấn nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo là phân bón chịu thuế 5% và điều này không có nghĩa sẽ làm giá phân bón tăng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cũng cho hay, thuế GTGT là thuế gián thu, DN nộp thay cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chịu nhưng thực tế, trong đó đều cơ cấu vào giá thành giá bán cuối cùng. Vừa qua, chúng ta thông qua lộ trình giảm thuế 2% cho một số mặt hàng, đúng ra thuế GTGT người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó phải chịu nên nghĩ được giảm giá nhưng thực tế đâu có giảm giá mà cuối cùng nhiều DN được hưởng. Tán thành chủ trương khoan sức dân, đặc biệt đối với ngành Nông nghiệp không nên áp dụng chịu thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị xem xét toàn diện vấn đề này.

Đọc thêm