Cân nhắc tăng hình phạt với người phạm tội chưa thành niên

Ban Soạn thảo dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cho rằng, bên cạnh các quy định mang tính nhân đạo, cũng cần nghiên cứu khả năng tăng hình phạt đối với một số ít trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn man rợ, tàn bạo, gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong nhân dân.

[links()]Có tăng hình phạt đối với một số ít trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Có bổ sung quy định về trách nhiệm của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự (BLHS) là những vấn đề đang được Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đặt ra.

Băn khoăn chính sách hình sự đối với người chưa thành niên

Vụ Lê Văn Luyện giết 3 người, cướp tiệm vàng xảy ra năm 2011 ở Bắc Giang khiến dư luận bàng hoàng. Từ bàng hoàng, dư luận chuyển sang phẫn nộ khi Lê Văn Luyện nhởn nhơ trước vành móng ngựa vì biết mình không bị tử hình do khi gây án Luyện chưa đủ tuổi thành niên.

Cần có hình phạt nghiêm khắc với người chưa thành niên phạm tội
Cần có hình phạt nghiêm khắc với người chưa thành niên phạm tội

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự 1999, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù. Nhờ quy định này, Lê Văn Luyện chỉ bị tuyên phạt 18 năm tù cho tổng cộng 3 tội: giết người, cướp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại cuộc họp Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho ý kiến về định hướng lớn xây dựng BLHS (sửa đổi) hôm qua (10/4), Ban Soạn thảo dự án Luật này cho rằng, việc xây dựng BLHS sửa đổi liên quan đến chính sách hình sự đối với người chưa thành niên. Bên cạnh các quy định mang tính nhân đạo, cũng cần nghiên cứu khả năng tăng hình phạt đối với một số ít trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn man rợ, tàn bạo, gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong nhân dân.

Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên trong trường hợp này khi họ phạm nhiều tội.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Trí -  Khoa Luật, Đại học KHXH&NV Hà Nội- cho biết, khi vụ án Lê Văn Luyện xảy ra, nhiều ý kiến đề nghị hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên xuống còn 12 tuổi. Đây cũng là một vấn đề mà Ban Soạn thảo BLHS sửa đổi cần cân nhắc.  

Tuy nhiên, TS. Hoàng Văn Hùng, Đại học Luật Hà Nội, e ngại quy định này sẽ không nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Theo TS. Hoàng Văn Hùng: “Hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên là một vấn đề rất lớn. Đây mới chỉ là đề xuất của một số nhà nghiên cứu và người áp dụng pháp luật, nếu đưa ra nhân dân thì khó nhận được sự đồng thuận”.

TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng rất băn khoăn về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên. Từ kinh nghiệm xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình, ông Dương Đăng Huệ chia sẻ:

“Theo quy định của BLHS, “ngủ” với trẻ em càng ít tuổi thì càng bị tội nặng. Trong khi đó, nhiều người dân tộc cưới nhau dưới 14 tuổi theo phong tục, tập quán. Họ không hiểu tại sao vì thế mà bị tù tội. Do vậy, sửa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên tại BLHS cần phải tính đến vấn đề phong tục tập quán”.

“Khoanh” rõ loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

Về khả năng bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS, Ban Soạn thảo BLHS sửa đổi cho biết: trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới và đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước.

Ở nước ta, thực tiễn cho thấy có không ít tổ chức kinh tế đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật có tính chất tội phạm như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, gây ô nhiễm môi trường…, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, cho nền kinh tế nhưng chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân. Trong khi đó, nhiều trường hợp việc xác định trách nhiệm của cá nhân là rất khó khăn.

Mặt khác, việc các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, kinh tế, dân sự không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Từ thực tế này, Ban Soạn thảo BLHS sửa đổi đề xuất nghiên cứu khả năng bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS.

Tán thành với đề xuất này, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - đề nghị mô tả tội phạm cụ thể, “khoanh” rõ lĩnh vực nào thì áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để tránh suy diễn.

Còn bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - cho rằng, chủ yếu nên áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong lĩnh vực kinh tế. Dẫn chứng về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, GS Thái Vĩnh Thắng - Đại học Luật Hà Nội - nhất trí cho rằng phải có điều khoản quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì nhiều cơ quan, doanh nghiệp biết là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận thì vẫn làm, gây tổn hại cho xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bộ Tư pháp - nhận định: Có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay không là một vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu. Và để việc nghiên cứu thấu đáo, phục vụ thiết thực quá trình xây dựng BLHS sửa đổi, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp phải có một đề án riêng về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Hồng Thúy

Đọc thêm