Cần nhân rộng mô hình khai sinh “3 trong 1”

(PLO) -  Thời gian qua, một số địa phương như  TP.HCM, các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã thí điểm việc thực hiện mô hình “3 trong 1” gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em theo cơ chế một cửa liên thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhằm tạo thuận lợi cho phần lớn người dân ở các địa phương khác, Bộ Tư pháp đang đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng mô hình này trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai mở rộng.
Giá trị thực tiễn đang lan tỏa
Theo quy định hiện hành, việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện riêng biệt tại từng cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Qua quá trình thực hiện trên thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó đáng chú ý là các thủ tục này đang được thực hiện một cách riêng lẻ, khép kín trong từng ngành là chủ yếu, sự phối hợp giữa các ngành là chưa đáng kể. 
Việc tách bạch ra các thủ tục riêng lẻ do từng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau buộc người dân phải tự mình đi đến nhiều cơ quan, phải làm nhiều bộ hồ sơ, khai đi khai lại nhiều thông tin cá nhân trùng lắp, nên đã xảy ra nhiều trường hợp thông tin của người dân tại các cơ quan quản lý và nội dung trong các giấy tờ do các cơ quan nhà nước cấp ra cho người dân không thống nhất (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế…). 
Điều này không những gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước mà còn gây phiền hà cho người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự… Xét về góc độ cải cách TTHC thì cách làm này đang tạo ra sự lãng phí về thời gian, tốn kém về giấy tờ và gây phiền hà cho người dân. Nếu giữa các cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giải quyết các TTHC nêu trên thì tạo ra rất nhiều sự tiện lợi cho người dân. 
Ngoài ra, việc để người dân tự mình đi làm các TTHC một cách độc lập cũng dẫn tới việc tùy tiện trong việc thực hiện các thủ tục đó. Xét về góc độ Nhà nước pháp quyền thì việc bắt buộc người dân tự đi làm các thủ tục phục vụ mục đích quản lý nhà nước là không phù hợp.
Vì vậy, nhiều địa phương đã sáng tạo khi vận dụng mô hình một cửa liên thông “3 trong 1” đối với các TTHC liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, tại TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, người dân chỉ cần nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa là UBND cấp xã là thực hiện được 3 TTHC và nhận được 3 kết quả (khai sinh, bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và nhập hộ khẩu) nên tiết kiệm được công sức, chi phí và thời gian đi lại.
Đặc biệt về thời gian giải quyết được các địa phương quan tâm rút ngắn để giảm thời gian chờ đợi cho người dân. Điển hình là Long An, ban đầu khi mới áp dụng mô hình này trong thời hạn 4 ngày sau khi nộp đủ hồ sơ, người dân sẽ được nhận lại bản chính, bản sao giấy khai sinh; bản chính hộ khẩu có ghi nhận tên trẻ, đối với thẻ bảo hiểm y tế thì người dân phải đợi trong 30 ngày mới có. 
Nhưng hiện nay khi triển khai trong toàn tỉnh, Long An đã rút thời gian xuống chỉ còn 10 ngày cho cả 3 loại thủ tục. Riêng TP.HCM đã xác định ngay từ đầu tổng thời gian giải quyết nhóm thủ tục liên thông rất ngắn, từ 26 ngày rút xuống còn 11 ngày.
Người dân hết sức phấn khởi bởi trước đây phải mất hai hoặc ba lần đi lại và nhiều thời gian hơn để thực hiện thì nay chỉ cần đến một nơi cũng làm xong 3 loại thủ tục. Nhờ đó, tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế giảm hẳn và cũng giúp cho công tác quản lý dân cư của cơ quan nhà nước. Trước những giá trị thực tiễn mà các tỉnh bạn có được, một số địa phương khác ở khu vực phía Nam như Tiền Giang, Bình Thuận cũng đã nghiên cứu áp dụng cho phù hợp với địa phương mình vào năm 2012 và đầu năm 2013.
Nhân rộng để bảo đảm bình đẳng giữa người dân các địa phương
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, mô hình trên mới được thực hiện ở một số ít địa phương với quy trình, cách thức thực hiện có sự khác nhau, thiếu thống nhất và chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông này. 
Còn lại do đa số các địa phương chưa thực hiện liên thông nên phần lớn người dân trên cả nước vẫn phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện từng TTHC đơn lẻ theo quy định của pháp luật hiện hành, tạo nên sự bất bình đẳng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân giữa các địa phương. 
Bởi thế, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án thực hiện mô hình một cửa liên thông các TTHC liên quan đến trẻ dưới 6 tuổi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu tổng quát của Dự thảo Đề án là thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, cư trú, bảo hiểm y tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của các ngành Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội. Qua đó đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục, giấy tờ; tiết kiệm chi phí xã hội; rút ngắn thời gian giải quyết các việc về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong cải cách TTHC, là giải pháp hữu hiệu làm thay đổi thái độ ứng xử của công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong giải quyết các công việc cho người dân.

Đọc thêm