Cần nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2023 đã có những tiến triển tích cực về cuối năm nhưng dự báo năm 2024 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Sản xuất công nghiệp cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, kích thích tiêu dùng. (Ảnh: TTXVN).
Sản xuất công nghiệp cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, kích thích tiêu dùng. (Ảnh: TTXVN).

Chỉ số công nghiệp 2023 tăng trưởng tích cực

Năm 2023, Công nghiệp (CN) Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất mạnh bởi tình hình khó khăn, biến động chung của thế giới, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo. Chỉ số sản xuất (SX) CN (IIP) năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Trong đó, có 2/4 số ngành CN cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ năm trước (ngành khai khoáng giảm 3,9%; ngành CN chế biến, chế tạo tăng 1,6 % so cùng kỳ, cũng là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây).

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số IIP có chiều hướng tích cực hơn trong những tháng cuối năm khi quý sau cao hơn quý trước, cụ thể quý I giảm 2,6%, quý II giảm 0,2%, quý III tăng 2,8%, quý IV ước tăng 5%.

Cùng với đó, năm 2023, trong số 33 ngành CN cấp 2 thì có tới 21 ngành có tăng trưởng so với cùng kỳ (chiếm 63,6% số ngành CN cấp 2). Như vậy cho thấy, số ngành SX tăng trưởng nhiều hơn số ngành SX giảm so cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là một số ngành chủ lực cả năm có tăng trưởng khá so với cùng kỳ như dệt, hoá chất, chế biến thực phẩm, sản phẩm thuốc lá, cao su và plastic, kim loại, giường tủ bàn ghế...

Một số ngành các tháng đầu năm giảm mạnh, đến cuối năm đã có phục hồi rất tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ như ngành SX xe có động cơ; ngành SX kim loại 6 tháng đầu năm giảm mạnh, đến 6 tháng cuối năm tăng trưởng tốt trên 15%; ngành SX sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là sản phẩm linh kiện điện tử, tuy nhiên đã có tín hiệu tích cực, quý IV đã tăng trưởng trở lại.

Một số địa phương là trung tâm CN của cả nước, nhờ có các chính sách thúc đẩy phát triển CN, khai thác tốt lợi thế địa phương, chính quyền địa phương quan tâm, sát sao chỉ đạo đã có tăng trưởng tốt, điển hình như Bắc Giang, Trà Vinh, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam, Kiên Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng.

“Mặc dù SX CN có xu hướng phục hồi tích cực dần theo thời gian nhưng SX CN trong cả năm 2023 không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm trong cả năm 2023. Trong đó, một số ngành thuộc mảng CN chế biến chế tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số quy định của Nhà nước cũng như khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm như SX xe máy, bia, rượu, trang phục” - đại diện TCTK nhận định.

Khơi thông lượng hàng tồn kho cao

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), giúp DN ổn định và phát triển SX như tổ chức các hội nghị tìm các biện pháp thúc đẩy SX, tiếp tục giảm thuế VAT 2%, giảm lãi suất cho vay, đơn giản hơn thủ tục vay vốn; Bộ Công Thương cũng đã đề nghị một chính sách tín dụng riêng cho DN SX CN (thông qua việc trình, sửa Nghị định về hỗ trợ SX CN)…

TCTK cũng nhận định, các “nút thắt” về khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ trong quý IV tạo điều kiện thúc đẩy các ngành SX vật liệu xây dựng phát triển; Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, tạo điều kiện tốt cho các DN về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa.

Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành trong thời gian qua liên tục được thực hiện cả trong và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý, một số dự án lớn thuộc ngành CN chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh góp phần là động lực tăng trưởng cho SX CN trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo TCTK, tiềm lực tài chính của DN “có hạn và đã tới hạn”, trong khi tiêu chuẩn SX của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe hơn và yêu cầu cao hơn, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng các yêu cầu SX hướng tới xanh và phát triển bền vững. Hoạt động SX của DN trong năm 2023 tuy phục hồi theo chiều hướng tích cực dần lên, đặc biệt là vào các tháng cuối năm nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong DN hiện đang rất cao.

Chưa kể, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến SX trong nước. Do đó, có thể thấy, hoạt động SX CN năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn cả trong nước và quốc tế. Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ SX CN, đặc biệt là đầu ra cho SX thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.

Đọc thêm