Việc phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện gặp không ít khó khăn. Hiện chỉ có gần 500 đảng viên (ĐV) sinh hoạt trong 18 tổ chức cơ sở Đảng ở các công ty, doanh nghiệp thuộc Đảng ủy các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng. Con số khiêm tốn này đặt ra thách thức cho các chi bộ về việc phát triển nguồn ĐV mới và việc thành lập, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng trong từng doanh nghiệp cụ thể.
|
||
Một buổi lễ kết nạp đảng viên mới ở Công ty Massda. |
Đặc thù của chi bộ ghép
Chi bộ Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng (Massda) đã phát triển được 7 ĐV mới trong những năm qua. Nhưng do nhu cầu công việc nên có 4 người đã chuyển sang các công ty khác. Giọng ông Lê Tấn Thức, Bí thư chi bộ có phần tự hào pha lẫn tiếc nuối khi nói về thành quả mà các anh em đã dày công kiến tạo, trong điều kiện chi bộ hiện có 10 người nhưng thuộc 6 công ty khác nhau.
Với đặc thù là chi bộ ghép, người bí thư tiếp cận đối tượng quần chúng trong các doanh nghiệp (DN) khá khó khăn. Theo ông Thức, bước đầu đều phải nắm qua sơ bộ lý lịch xem đối tượng có hội đủ yêu cầu của một ĐV hay không, rồi thông qua công nhân, lao động xem xét phẩm chất đạo đức, lối sống; sau đó là quá trình tiếp xúc, gợi ý xem cảm tình của họ về Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào, có nhiệt tình với việc phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng hay không... Sau đó là một quá trình thử thách đối tượng, như giao các nhiệm vụ, tiếp tục theo dõi xem họ có nỗ lực phấn đấu trong công việc hay không.
Cùng sinh hoạt trong một chi bộ nhưng mỗi ĐV làm việc ở các công ty khác nhau, nên người bí thư chi bộ vẫn phải tiếp tục thông qua Công đoàn các công ty để theo dõi, bình bầu, phân loại ĐV. Hằng tháng, chi bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ, mỗi ĐV được thông báo thời gian họp trước vài ngày để bố trí công việc, thường là họp ngoài giờ hành chính, nơi họp được Công ty Massda cho mượn văn phòng...
Hình thành tiếng nói của Đảng trong DN
Một vấn đề khó ở các chi bộ của các DN ngoài quốc doanh hiện nay là những đối tượng quần chúng và ĐV phải dùng tiêu chuẩn nghỉ phép của mình để tham gia lớp đối tượng Đảng và lớp bồi dưỡng ĐV mới. Quá trình học tập và sinh hoạt này phải bảo đảm không ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo ông Phạm Nhật Phi, Bí thư Đảng ủy các KCN Đà Nẵng, nhiều DN không muốn thành lập tổ chức Đảng, dù hiện nay vai trò của Đảng đã phù hợp với từng loại hình DN.
Để chi bộ hoạt động tốt, ông Lê Tấn Thức đã nêu rõ với lãnh đạo DN là chi bộ không lãnh đạo sản xuất, mà chỉ lãnh đạo cán bộ, ĐV, công nhân, lao động để họ hoàn thành nhiệm vụ, giáo dục chính trị tư tưởng và phát triển Đảng. Từ đó sự góp ý của mỗi ĐV nếu có lợi cho công ty thì Ban Giám đốc sẵn sàng lắng nghe, mỗi ĐV cũng thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng phân công. Từ thực tế đó, Đảng ủy các KCN đã “thuyết phục, vận động” được 5 công ty thành lập chi bộ trong thời gian tới. Vào trung tuần tháng 5, Chi bộ Công ty Bia Foster có 10 ĐV sẽ ra mắt đầu tiên.
Hiện chỉ có 496 ĐV sinh hoạt trong 18 tổ chức cơ sở Đảng ở các công ty, DN thuộc Đảng ủy các KCN Đà Nẵng. Hầu hết những người đã đứng trong hàng ngũ của Đảng ở các DN không có chi bộ đều về sinh hoạt tại khu dân cư. Có một thực tế là việc phát triển Đảng trong các DN ngoài quốc doanh hiện nay khá khó khăn, một phần từ phía lãnh đạo DN, và phần lớn là từ nhận thức của người lao động. Bởi theo ông Thức, quan niệm của quần chúng hiện nay mang tư tưởng của người đi làm thuê, và việc vào Đảng ở những công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không có chức trách gì, khác hẳn với ở DN Nhà nước sẽ được sắp xếp, đề bạt (!).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng lại thẳng thắn thừa nhận rằng, vấn đề chậm phát triển Đảng vừa qua lỗi hoàn toàn do sự thiếu quan tâm của Chi ủy chi bộ công ty; một phần cũng do áp lực công việc, phải chi phối nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, đã không tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú được cơ hội tìm hiểu về Đảng. Sau 2 năm thành lập, ngoài 6 ĐV hiện có, Chi bộ Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng chưa kết nạp được một ĐV nào. Mới đây, có một bước ngoặt ở công ty này là chi bộ đã tiếp cận và tạo cơ hội cho các quần chúng ưu tú được tìm hiểu về Đảng. Thật bất ngờ khi có đến 25/35 cán bộ, nhân viên công ty xin đăng ký được theo học lớp đối tượng Đảng do Đảng bộ các KCN tổ chức.
Ông Phạm Nhật Phi cho biết, Đảng ủy các KCN đang xây dựng đề án về Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong DN, bao gồm những nội dung như xây dựng lực lượng chính trị, tạo nguồn phát triển ĐV mới, phát triển cơ sở Đảng trong các khu CN. Trong đó đề ra một số giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cho chủ DN (nhấn mạnh phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay); tuyên truyền cho người lao động vào Đảng; cải tiến các nội dung sinh hoạt như họp chi bộ qua thư điện tử, thay đổi quy trình ở các lớp học đối tượng Đảng, lớp bồi dưỡng ĐV mới... Hướng đến mục tiêu tập trung xây dựng các tổ chức Đảng trong các loại hình DN, tăng tỷ lệ ĐV...
Việc tìm ra hướng đi để phát triển Đảng đang được xem là vấn đề quan trọng của các chi bộ cũng như Đảng ủy các KCN hiện nay. Đó hẳn là một quá trình công việc tốn nhiều công sức, thời gian.
Hoàng Nhung