Cần phải siết chặt

Huyện Hòa Vang vừa tổ chức buổi đối thoại với các ngành liên quan và các đơn vị, DN được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do tình trạng khai thác khoáng sản gây ra.

Huyện Hòa Vang vừa tổ chức buổi đối thoại với các ngành liên quan và các đơn vị, DN được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do tình trạng khai thác khoáng sản gây ra.

Mỗi lần xe chở đất, đá... đi qua quốc lộ 14B, hàng trăm hộ dân lại phải “hứng”  bụi.  

Khó kiểm soát đơn vị khai thác khoáng sản “chui”?

Là địa bàn có nhiều đơn vị, DN khai thác khoáng sản nhất trên địa bàn huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn nói: Những năm gần đây, tốc độ khai thác đất, cát… trên địa bàn xã ngày càng cao. Hiện trên địa bàn xã có tới 16 đơn vị khai thác đất, đá, cát.  Điều đáng nói là việc các đơn vị khai thác, vận chuyển đất đá đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng và các vùng lân cận.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tuyến đường vào mỏ đá, đất chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Đơn cử như tuyến đường dẫn vào mỏ đá Phước Thuận theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 5 -2010, thế nhưng hiện công trình vẫn ngổn ngang; trong khi đó các đơn vị có xe chở đất, đá lại ít chú trọng đến việc bảo vệ môi trường cho người dân. “Từ nhiều năm nay, người dân sống dọc trên tuyến đường vào mỏ đá Phước Thuận luôn phải hứng bụi và tiếng ồn. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp xử lý, người dân sẽ phải hứng chịu ô nhiễm dài dài”, ông Dự bức xúc.

Về vấn đề này, ông Ngô Hường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cũng thừa nhận: Hoạt động khai thác khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi...) trên địa bàn Hòa Vang diễn ra đa dạng và phức tạp, gây ảnh hưởng đến môi trường và bức xúc của người dân. Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã được UBND huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã tăng cường quản lý, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng khai thác khoáng sản “chui” vẫn diễn biến khá phức tạp, đang làm mất cân bằng sinh thái và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trên địa bàn.

Cũng theo ông Hường,  đến tháng 3-2010, trên địa bàn Hòa Vang có 16 DN, cá nhân khai thác khoáng sản, trong đó có 2 đơn vị và 2 cá nhân hoạt động không có giấy phép khai thác. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát sông đang diễn ra hỗn loạn và rất khó quản lý. “Là địa bàn có tới 19 bến cát đang hoạt động khai thác nhưng lại chưa được quy hoạch cắm mốc. Riêng các sông nằm trên địa bàn huyện như Cu Đê, Cẩm Lệ, Túy Loan… do không có trữ lượng cố định mà chỉ là dạng cát bồi theo mùa mưa lũ, nên từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, lượng cát bồi cạn kiệt, các chủ phương tiện đã “lén” vào khu vực đất hoa màu ở hai bên sông để khai thác, dẫn đến tình trạng sạt lở các bờ sông. “Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đều biết nhưng rất khó kiểm soát bởi lực lượng làm nhiệm vụ này quá mỏng”, ông Hường cho hay.

Khó mấy cũng phải làm

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang tại cuộc đối thoại với các ngành liên quan cùng các đơn vị, DN khai thác khoáng sản trên địa bàn. Để ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản “chui”, ông Nhơn cho rằng: Lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Giao thông và các ngành liên quan cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các xe vận chuyển đất, cát, đá... chạy nhanh, vượt ẩu, không che đậy, cố tình cơi nới…

Bên cạnh đó, Đội kiểm tra quy tắc đô thị của huyện phải tăng cường kiểm tra phát hiện các đơn vị lén lút khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn để kịp thời xử lý. Về vấn đề khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện gây ra, UBND huyện sẽ thành lập 5 điểm rửa xe trước khi xe chở đất, cát, đá… tham gia giao thông. Việc thành lập các điểm rửa xe  này cũng có một số DN khai thác khoáng sản phản ứng vì cho rằng sẽ làm giảm tiến độ công trình. Tuy nhiên, ông Nhơn vẫn khẳng định: Nếu xe nào không chấp hành quy định sẽ xử phạt thật nặng, thậm chí đề nghị thành phố rút giấy phép khai thác.

Theo UBND huyện Hòa Vang: Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, UBND huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị lập quy hoạch, cắm mốc phân định ranh giới vùng khai thác và vùng cấm khai thác cho các địa phương quản lý. Đồng thời tổ chức thành lập cơ sở khai thác mà các chủ bến cát chịu trách nhiệm bảo đảm đủ điều kiện các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Các phương tiện ghe thuyền vận chuyển cát, sỏi bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm; các thành viên tham gia hoạt động khai thác cát và chủ các bến cát phải ký cam kết thực hiện đúng nội quy, quy định với cơ quan quản lý. Ngoài ra, UBND huyện sẽ thành lập Đội phản ứng nhanh bao gồm lực lượng công an, môi trường, quy tắc đô thị và người dân địa phương tham gia công tác phòng chống khai thác cát trái phép ở một số điểm cấm khai thác.   

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Đọc thêm