Thảo luận về mô hình TTTCQT tại Phiên họp thứ 44, UBTVQH chiều 17/4, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga nhận thấy, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập TTTCQT. Do đó, bà đề nghị QH quyết định ra Nghị quyết về chủ trương thành lập; Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Về cơ quan giám sát TTTCQT, bà Nga đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ giữa cơ quan giám sát này với các cơ quan có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước hiện hành.
Về mô hình quản trị và điều hành TTTCQT, theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh, cần cân nhắc thiết lập một mô hình quản trị đặc thù theo hướng cơ quan điều hành có quyền tự chủ cao tương tự như mô hình quản lý của TTTC ở Dubai hoặc là Cơ quan Tiền tệ của Singapore. Cơ quan này nên có điều phối liên ngành và chịu trách nhiệm thống nhất về chính sách giám sát đầu tư, thu hút nhân lực xử lý tranh chấp thay vì để phân tán giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bà Thanh cũng kiến nghị đưa vào dự thảo Nghị quyết định hướng cụ thể là sẽ xây dựng một thiết chế điều hành chuyên trách hoặc theo một cơ chế thử nghiệm thể chế bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.
|
Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nêu vấn đề, theo mô hình TTTCQT đề xuất tại dự thảo Nghị là 1 trung tâm 2 khu vực thì có bám mục tiêu ban đầu là TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm toàn cầu và Đà Nẵng thành trung tâm khu vực không? Hay mô hình song trụ, một trung tâm nhưng song trụ, có nghĩa “mỗi ông làm mỗi việc”. Bản thân hai trung tâm này không tự cạnh tranh với nhau mà chỉ có cạnh tranh với quốc tế, với thế mạnh. Ông Phương đề nghị Chính phủ làm rõ đây là mô hình phạm vi toàn cầu, phạm vi vùng hay là mô hình song trụ mà mỗi trung tâm theo đuổi một lĩnh vực riêng nhưng có liên quan đến nhau.
Nếu như mô hình nào đi nữa thì tại sao không có hai nghị quyết để rõ chính sách hơn? Vì vậy, vấn đề tiếp theo ông Phương nhận thấy trong các chính sách chung áp dụng cho cả hai trung tâm đều vắng bóng câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, trong khi việc này cũng rất quan trọng. Từ đó, ông Phương đề nghị Chính phủ làm rõ mô hình và rõ chính sách áp dụng cho mô hình của 2 TP.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết, trên thế giới có những chỉ tiêu nhất định đánh giá về quy mô một thị trường tài chính quốc tế. Một là phải có quy mô thị trường tài chính hằng năm mấy trăm nghìn tỷ, mấy nghìn tỷ luân chuyển; hai là số lượng tổ chức tài chính, khối lượng và giá trị giao dịch, những vấn đề về cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý. Tất cả những thứ này chúng ta phải thiết kế làm sao có mô hình hóa, có định lượng và cơ bản phải có số liệu cung cấp hiện tại, nhất là thực trạng thị trường tài chính tại 2 TP hiện có bao nhiêu tổ chức tài chính; quy mô thị trường vốn một ngày đêm hoặc một năm là bao nhiêu, bao nhiêu đáp ứng ở trong nước và bao nhiêu là các quỹ đầu tư luân chuyển ra - vào suốt ngày suốt đêm. Khẳng định TP Hồ Chí Minh chắc chắn là một TTTC, theo ông Hải, để tăng tính thuyết phục thì bây giờ phải chứng minh bằng số liệu.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình đã làm rõ vấn đề mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Giải đáp những quan tâm về 1 TTTCQT tại 2 TP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Kết luận 47 của Bộ Chính trị là cho phép thành lập 2 trung tâm, nhưng Chính phủ trình 1 trung tâm đặt ở 2 nơi. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, qua trao đổi với nhiều đại biểu nước ngoài, với quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ mà có 2 trung tâm thì sẽ khó khả thi. Từ đó, Chính phủ đã bàn và quyết định chỉ có một trung tâm nhưng đặt ở 2 nơi và 2 nơi này có định hướng hoạt động khác nhau, chịu sự điều chỉnh của một văn bản quy phạm pháp luật là dự thảo Nghị quyết của QH. Còn định hướng hoạt động sẽ do 2 TP chọn, không xung đột nhau để cả 2 cùng “sống khỏe mạnh”. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, đây sẽ là nội dung mà Chính phủ sẽ phải báo cáo Bộ Chính trị.
Làm rõ thêm về mô hình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Bộ Chính trị trước đây quyết định là 2 trung tâm đặt ở 2 nơi với quy mô khác nhau. Quá trình nghiên cứu, ông Quảng cho rằng, nếu hiểu TP Chí Minh ở tầm quốc tế, còn Đà Nẵng ở tầm khu vực thì cách hiểu giữa khái niệm quốc tế và khu vực là không rõ, bản chất về mặt không gian và liên kết thì đây là quốc tế, còn không biết thế nào là khu vực. Vì vậy, Chính phủ đã định hình lại là chỉ có một trung tâm nhưng được đặt ở hai nơi để phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng nơi.