Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 47-TB/TW về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Từ nay đến năm 2030 sẽ ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2030 - 2035, sẽ tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Việt Nam nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho TTTC ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTC khu vực và quốc tế như nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu (đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này). Việt Nam có TP Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các TTTC toàn cầu.
Việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTC khu vực, hướng đến TTTC quốc tế đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam: kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
Việc xây dựng, vận hành và phát triển TTTC khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam hồi tháng 1/2025, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trình bày cụ thể về sự chuẩn bị để phát triển TTTC; các giải pháp triển khai Kế hoạch hành động, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của 2 TP về TTTC. Đồng thời cho rằng, quá trình xây dựng TTTC là kết quả của tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều tổ chức, cá nhân, đây không phải là việc riêng của TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng mà là của cả nước và vì cả nước.