Cần quy định điều kiện bảo đảm hoạt động phản biện xã hội

(PLO) - Hiện nay, có nhiều văn bản pháp luật quy định về chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Tuy nhiên, phản biện xã hội – một chức năng được kỳ vọng nhiều trong công tác xây dựng pháp luật - thì lại rất mờ nhạt.
Cần quy định điều kiện bảo đảm hoạt động phản biện xã hội
Vậy việc triển khai quy định này trên thực tế ra sao?. Ông Nguyễn Văn Pha -Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam cung cấp thông tin liên quan:
Góp ý, phản biện: Chủ yếu ở cấp Trung ương
Thời gian qua, việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự án luật đã được MTTQVN thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong những năm qua, UBTƯ MTTQVN đã phát huy vai trò của mình trong việc tham gia góp ý vào các dự án luật, trong đó chủ yếu là những dự án luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQVN và các tổ chức thành viên, liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và về tổ chức bộ máy nhà nước.
Các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và hàng năm của Quốc hội luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gửi lấy ý kiến của UBTƯ MTTQVN trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định. Sự phối hợp của Ủy ban và các tổ chức thành viên đã góp phần giúp Quốc hội, UBTVQH trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới nhiều luật, pháp lệnh và nghị quyết liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.
UBTƯ MTTQ VN cũng đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn bao gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học để giúp cho UBTƯ MTTQVN tham gia góp ý, phản biện các dự án, chính sách pháp luật có liên quan. Một số tổ chức thành viên cũng có nhiều cách làm phong phú để phát huy trí tuệ của các chuyên gia, các thành viên tham gia có chất lượng vào việc góp ý, phản biện một số dự án chính sách, pháp luật, chương trình, dự án kinh tế - xã hội của Nhà nước. Các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội cũng tham gia góp ý, phản biện nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều bản góp ý của UBTƯ MTTQVN và các tổ chức thành viên được cơ quan soạn thảo tiếp thu, qua đó góp phần làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn. Trên thực tế, hoạt động này của MTTQVN lâu nay được thực hiện chủ yếu ở cấp Trung ương mà nòng cốt là UBTƯ MTTQVN và một số thành viên của Mặt trận. Tuy nhiên, hoạt động này đối với các cấp Mặt trận ở địa phương nhìn chung còn nhiều hạn chế và không đồng đều giữa các địa phương.
Có thể nói, việc lấy ý kiến góp ý và phản biện xã hội của UBTƯ MTTQVN và một số tổ chức thành viên đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. UBTƯ MTTQVN và một số tổ chức thành viên cũng đã đổi mới phương thức góp ý, ngoài tổ chức hội nghị đối với dự án luật quan trọng, Ủy ban còn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để tăng cường tính đối thoại, phản biện, thu hút nhiều sự tham gia của các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ tư vấn, cộng tác viên, đoàn viên, hội viên… giúp cho các văn bản góp ý có chất lượng cao hơn.
Như ông vừa nói, việc góp ý, phản biện được thực hiện chủ yếu ở cấp TƯ, vì sao vậy?
- Theo quy định tại Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBTƯ MTTQVN và các tổ chức thành viên có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này của MTTQVN mới được thực hiện chủ yếu ở cấp TƯ; việc tham gia góp ý, phản biện của MTTQVN chỉ tiến hành khi được cơ quan nhà nước yêu cầu; chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để Mặt trận kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ ban hành văn bản cho phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội hoặc xem xét hủy bỏ những văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn.
Mặc dù Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định MTTQVN và các tổ chức thành viên có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội nhưng việc thực hiện quyền này còn ở mức độ rất hạn chế (đây cũng là tình trạng chung của các chủ thể có quyền tương tự, trừ Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội).
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật ở một số nơi còn hình thức, chưa thực sự phát huy đầy đủ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện cán bộ Mặt trận các cấp am hiểu pháp luật còn ít, kinh phí hạn hẹp nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào một số dự án luật lớn chưa được sâu rộng, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân nhìn chung còn yếu và chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận và đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Những văn bản góp ý do UBTƯ MTTQVN và tổ chức thành viên gửi đến các cơ quan hữu quan chủ trì soạn thảo, do không có cơ chế cụ thể nên việc góp ý chỉ là một chiều và hình thức, thiếu cơ chế về trách nhiệm phản hồi; các cơ quan chủ trì soạn thảo có tiếp thu, tiếp thu ở mức độ nào hoặc không tiếp thu thì cơ quan gửi văn bản góp ý kiến không được biết. Ngoài ra, việc chấp hành các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan nhà nước chưa đầy đủ.
Quy định chung chung, khó thu hút nhà khoa học, nhân dân tham gia
Vậy nguyên nhân khiến cho việc phản biện chưa nhiều, hiệu quả chưa cao đó là thiếu quy định về vấn đề này?
- Các quy định của pháp luật về sự tham gia của UBTƯ MTTQVN và các tổ chức thành viên trong hoạt động xây dựng pháp luật còn chung chung, vì thế khó thu hút được các cơ quan, tổ chức cũng như huy động được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và nhân dân tham gia.
Hiện nay, chủ trương của Đảng về phản biện xã hội của UB MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội chậm được thể chế hóa, cụ thể hóa tạo cơ sở cho Mặt trận thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Và như trên đã nói, việc tiếp thu, phản hồi các ý kiến góp ý của các cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tốt.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian tới, hoàn thiện hệ thống pháp luật có phải là giải pháp căn cơ, lâu dài?
- Văn kiện Đại hội X của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết TƯ 4 đều có chủ trương và nêu yêu cầu xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của UBTƯ MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội. Theo tôi, hoạt động giám sát và phản biện trong Quy chế này cần cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức, quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát, phản biện. Đặc biệt, cần quy định rõ cơ chế xử lý kiến nghị phản biện xã hội. Theo đó, cần quy định cụ thể trình tự, xem xét, xử lý các kiến nghị bảo đảm kịp thời, nhanh chóng và đạt hiệu quả thiết thực. 
Bên cạnh đó, cần quy định điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Trong đó về nguồn lực tài chính cần quy định sự động viên rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu, tổ chức thành viên của Mặt trận, các Hội đồng tư vấn và cộng tác viên là chuyên gia trên các lĩnh vực, các hoạt động chuyên môn của các thành viên, hội viên đoàn viên trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Tăng cường nguồn tài chính đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Ngoài ra, cần quy định khen thưởng để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện việc giám sát cũng như phản biện xã hội; xử lý các vi phạm nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả khi Quy chế được ban hành.
Cùng đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về góp ý, phản biện xã hội trong hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của MTTQVN, trong đó nên hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND làm một; trong đó nên quy định cụ thể việc UB MTTQVN và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng pháp luật, từ khâu trình sáng kiến pháp luật, tham gia xây dựng và cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật của Quốc hội đến khâu tham gia thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập; tham gia góp ý các dự án luật…
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm