Cần quy định về quản lý rủi ro trong luật hải quan

Quản lý rủi ro (QLRR) là một phương pháp quản lý hải quan hiện đại, được quy định thành tiêu chuẩn trong Công ước KYOTO của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Việc áp dụng QLRR không những đem lại hiệu quả tối ưu cho cơ quan Hải quan trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực hiện nay mà còn đem lại những lợi ích rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) bằng việc đánh giá và lựa chọn kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, minh bạch hoá hoạt động hải quan.

Quản lý rủi ro (QLRR) là một phương pháp quản lý hải quan hiện đại, được quy định thành tiêu chuẩn trong Công ước KYOTO của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Việc áp dụng QLRR không những đem lại hiệu quả tối ưu cho cơ quan Hải quan trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực hiện nay mà còn đem lại những lợi ích rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) bằng việc đánh giá và lựa chọn kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, minh bạch hoá hoạt động hải quan.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từng bước kiện toàn tổ chức và hoàn thiện cơ sở pháp lý

Từ tháng 3/2011, hệ thống thông tin QLRR chính thức được đưa vào ứng dụng trong toàn ngành Hải quan. Trên cơ sở đề án của Tổng cục Hải quan (TCHQ), ngày 7/6/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính kí Quyết định số 1402/QĐ-BTC về việc thành lập Ban QLRR Hải quan.

Theo đó, Ban QLRR Hải quan có nhiệm vụ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của TCHQ xây dựng mô hình tổ chức QLRR độc lập trực thuộc TCHQ để Tổng cục trưởng TCHQ báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và theo quy định của pháp luật…

Với vai trò là đơn vị thu thập, xử lý thông tin QLRR trực thuộc Tổng cục Hải quan, Ban QLRR đã bắt tay vào xây dựng Chiến lược phát triển QLRR giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác QLRR có đủ năng lực, chuyên sâu về nghiệp vụ là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.  Cùng với việc kiện toàn về tổ chức, nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác này cũng đã được ký ban hành nhằm tạo điều kiện về cơ sở pháp lý cho hoạt động QLRR.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, kỹ thuật QLRR là phương tiện hữu hiệu để đảm bảo cùng lúc thực hiện công tác kiểm soát hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Nhờ có việc lựa chọn hàng hóa và hành khách trọng điểm để kiểm tra, quá trình thông quan và giải phóng hàng được diễn ra nhanh hơn.

Các lô hàng và những người được xác định có độ rủi ro thấp sẽ ít bị Hải quan can thiệp và khâu làm thủ tục được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Điều này giúp tạo ra một loạt các lợi ích như: Phân bố nguồn nhân lực hiệu quả hơn, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao được tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cải thiện mối quan hệ cộng tác giữa Hải quan và doanh nghiệp, giảm bớt thời gian giải phóng hàng, giảm chi phí giao dịch...

Thực tế, QLRR là một phần trong quản lý chiến lược của cơ quan Hải quan hiện đại. Nó không chỉ để tránh và giảm thiểu mất mát, thiệt hại mà còn hỗ trợ đắc lực cho việc tạo thuận lợi cho hoạt động hải quan.

Nhân rộng cách làm hiệu quả

Từ những ưu việc của phương pháp QLRR, Tổng cục Hải quan xác định, việc tạo bước đột phá, thay đổi về chất trong công tác QLRR là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác QLRR trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành Hải quan sẽ tập trung tăng cường năng lực thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, trong đó chú trọng một số lĩnh vực hoạt động như: Thu thập, cập nhật thông tin phản hồi về phân luồng và kết quả kiểm tra hải quan; Thông tin vi phạm pháp luật hải quan; Phân tích dự báo rủi ro trong các lĩnh vực hải quan; Phân tích, xác định trọng điểm phục vụ việc điều phối hoạt động kiểm tra giám sát hải quan; Xây dựng, ứng dụng hồ sơ rủi ro trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan làm cơ sở để điều phối, thống nhất hoạt động kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực hải quan…

Vấn đề đặt ra hiện nay là Luật Hải quan chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc, mối quan hệ và vai trò, vị trí, tác động điều chỉnh đối với các hoạt động hải quan, các biện pháp thực hiện; trách nhiệm và giải trừ trách nhiệm trong áp dụng QLRR, trong khi đây được coi là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng QLRR. Do đó, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải có quy định về QLRR và áp dụng QLRR trong Luật Hải quan để phương pháp quản lý hiệu quả này trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ trở lại sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Ngọc Hải

Đọc thêm