Bát nháo thị trường chợ đen: Quýt làm cam chịu
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Thị trường, trong năm 2020, số vụ buôn bán thuốc lá điện tử (TLĐT) và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu khác bị lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý lên tới gần 4.000 vụ. Năm 2021, vấn nạn buôn lậu TLĐT cũng không hạ nhiệt, lan từ các tỉnh thành lớn ra nhiều địa phương trên cả nước.
Một cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường TP HCM trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cho biết TLĐT chưa được phép thương mại tại Việt Nam, nên 100% sản phẩm này, dù bày bán ở cửa hàng hay các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đều là hàng xách tay, hoặc nhập lậu. Và dù đến từ đâu chăng nữa, việc mua bán TLĐT cũng như thuốc lá thế hệ mới khác tại Việt Nam là vi phạm pháp luật.
Vì thiếu các biện pháp chế tài, quản lý nên giới trẻ mua TLĐT “dễ hơn mua rau”. Với các sản phẩm TLĐT hệ mở, nguy cơ giới trẻ bị dụ dỗ pha thêm các chất cấm vào tăng thêm độ “sành điệu” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, nhiều bạn trẻ do hiểu sai lệch về sản phẩm nên còn ra sức tiếp tay quảng bá cho các loại TLĐT lậu mình đang sử dụng như là biện pháp cai nghiện thuốc lá điếu.
Trả lời cho câu hỏi có hay không việc các công ty thuốc lá đứng đằng sau những chiêu trò, dẫn dắt, quảng cáo, hoặc thậm chí là sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để thu hút giới trẻ, các chuyên gia cho rằng, không có bằng chứng gì để khẳng định như vậy, vì đến nay chưa có tập đoàn, công ty trong nước nào được phép nhập khẩu chính hãng các mặt hàng này. Các chuyên gia phân tích, cần nhìn nhận đúng rằng chính những chiêu bài của giới buôn lậu trong bối cảnh thiếu cơ chế quản lý mới là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng tỷ lệ sử dụng TLĐT tràn lan không kiểm soát trong xã hội và cộng đồng.
Chưa có cơ chế quản lý, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu ngày càng “tung hoành” trên thị trường. (Ảnh minh họa) |
Tình trạng này ngày càng diễn biến xấu hơn, tăng áp lực cho các cơ quan chức năng, đe dọa sức khỏe cộng đồng… Việc buôn bán lậu các sản phẩm này trung bình lãi tăng gấp 4-5 lần do không phải chịu thuế, cũng không gánh nặng tồn kho, hạn sử dụng, mà lại là mặt hàng dễ lưu thông. Nếu bị bắt thì cũng chỉ bị xử lý hành chính như là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Do vậy, việc kinh doanh TLĐT dường như là con đường “làm giàu không khó” vì rủi ro thấp, nhưng lại siêu lợi nhuận.
Giải pháp “nằm chờ lấy ý kiến” đến bao giờ?
Từ 5 năm về trước, các chuyên gia và cộng đồng đã lên tiếng về tình trạng gia tăng cung - cầu đối với TLĐT. Tại thời điểm đó, Chính phủ đã dự đoán được sự phát triển và tính phổ biến của các sản phẩm mới này nên nhiều lần yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp liên bộ nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý TLĐT để phòng chống nạn buôn lậu từ rất sớm, nhưng đến nay mọi việc vẫn đang nằm trong vòng thảo luận của các bộ, ngành liên quan.
Dựa trên nhu cầu và thực trạng hiện nay, các chuyên gia cho rằng giải pháp cần làm hiện giờ là phải đưa mọi sản phẩm mới này vào quản lý để kiểm soát như mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường. Không thể để nghịch lý kéo dài khi hàng chính danh thì chưa có mặt, trong khi hàng buôn lậu thì lưu thông như “chốn không người”. Chính việc để cho thị trường chợ đen bát nháo, tự quyết định cơ chế lưu thông hàng hóa như hiện nay đã gây không ít khó khăn không chỉ cho quản lý nhà nước, sức khỏe cộng đồng, mà còn gây phương hại về mặt khoa học đối với những sản phẩm đã được kiểm chứng, xác nhận là sự thay thế tốt hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Hiện không chỉ có cộng đồng và các chuyên gia y tế, đại diện một số bộ ban ngành cũng tỏ ra sốt ruột trước tình trạng TLĐT vẫn nằm ngoài vòng pháp luật như hiện nay. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã nhấn mạnh, cần tận dụng lợi thế sẵn có của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành để sớm đưa các sản phẩm này vào kiểm soát trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Với các sản phẩm TLĐT, thuốc lá thế hệ mới nói chung, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, chính phủ các nước cần kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm phải tuân thủ các biện pháp chính sách và quy định áp dụng dựa trên luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại, đồng thời phù hợp với Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).