Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì, được tổ chức ngay sau khi các kiến nghị liên tiếp lên Chính phủ của nhiều hãng taxi truyền thống liên quan đến hoạt động Uber, Grab. Nội dung các đối thoại cho thấy, ngành vận tải taxi tại Việt Nam còn không ít vấn đề vướng mắc, bất cập cần phải tháo gỡ kịp thời để xây dựng một “sân chơi” bình đẳng giữa loại hình taxi truyền thống và Uber, Grab trên cơ sở vì hiệu quả quản lý nhà nước và quyền lợi của khách hàng.
“Sân chơi” bất bình đẳng?
Phải thừa nhận một thực tế là taxi Uber, Grab đang chiếm ưu thế trên thị trường vận tải taxi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách, tiện ích, và nhất là giá thành rẻ, nhiều chương trình khuyến mãi. Ước tính con số Uber và Grab ở Hà Nội hiện khoảng 40.000 xe, tại TP HCM có khoảng 12.000 xe, còn tại Đà Nẵng tuy chưa được cấp phép thí điểm hoạt động nhưng đã có khoảng 10.000 xe “taxi công nghệ” đang vận hành. Thực tế này đương nhiên khiến thị phần của taxi truyền thống bị thu hẹp.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh loại hình taxi truyền thống thì sở dĩ taxi công nghệ chiếm ưu thế trên thị trường là bởi họ được các nhà quản lý cho hưởng quá nhiều ưu ái. Nói như ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thì trong khi taxi truyền thống có tới “13 vòng kim cô” quy định khi thành lập và triển khai hoạt động thì Uber và Grab, sau khi được thí điểm triển khai ứng dụng, họ không bị ai kiểm soát. Bằng chứng là trong khuyến mại cho hành khách, theo quy định chỉ có 90 ngày nhưng các doanh nghiệp này lại làm có khi tới cả năm, việc này “làm khó” cho hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống.
“Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và các bộ sửa đổi Nghị định 86 sắp xếp đưa xe này không vào diện xe hợp đồng vì không thể quản lý số lượng và thất thu thuế”, ông Bình kiến nghị. Cùng quan điểm nhà nước khó quản lý taxi công nghệ, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hiện cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý và nắm được số lượng xe Uber, Grab. Điều này dẫn đến dịch vụ xe này “nở rộ”, nhưng Nhà nước lại thất thu thuế.
“Với nguồn lực tài chính lớn, Uber và Grab đưa ra chương trình giảm giá trái pháp luật. Các chương trình này vi phạm Nghị định 37 năm 2016 của Luật Thương mại”, ông Long phân tích. Từ các phân tích trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội không xin Nhà nước bảo hộ mà sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ Grab, Uber. Nhưng phải có chính sách để tạo sự cạnh tranh bình đẳng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng đứng trên quan điểm “đối đầu” với các hãng taxi công nghệ, nhiều ý kiến “xoáy” vào việc Uber và Grab đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam khi bị Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu không được phép triển khai dịch vụ đi chung GrabShare nhưng vẫn tưng bừng khai trương và triển khai rầm rộ tại Hà Nội và TP HCM. Nhiều ý kiến cho rằng “nếu không xử lý dứt điểm sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường”, hoặc gay gắt hơn “căn cứ vào vi phạm này cần phải đình chỉ ngay thí điểm của Grab”.
Grab: “Chúng tôi tuân thủ pháp luật”
Trước các ý kiến đối đầu gay gắt cáo buộc Uber, Grab là “công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình”, cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá hủy diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Cty TNHH GrabTaxi khẳng định đơn vị này luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Số lượng xe ký hợp đồng với đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nhưng tại hội nghị này ông không thể công bố vì đó là “bí mật” kinh doanh. Tuy nhiên, xe Grab luôn đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo được quyền lợi của khách hàng. Phía đại diện Uber cũng khẳng định đóng thuế đầy đủ cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.
Đại diện Grab nhấn mạnh, Grab có được giá cước thấp và những đợt khuyến mãi, giảm giá cho người dùng là nhờ Grab tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh... Nên ông Tuấn Anh mong taxi truyền thống phát triển dịch vụ tương tự như Grab.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cho rằng, sự xung đột giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đã đến đỉnh điểm và đây là lúc cần gỡ bỏ nó, nếu không sẽ gây ra hậu quả khó lường. “Hiện nay Uber, Grab cho rằng họ là đơn vị cung cấp hợp đồng điện tử, tức là trung gian, nếu vậy chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng thực tế hoạt động Uber, Grab đang liên quan đến đào tạo lái xe, giá cước vận tải, tổ chức khuyến mãi..., tức là các bạn đang làm công việc của ông chủ, vai trò của người kinh doanh... nên cần phải cạnh tranh bình đẳng” - ông Hỷ nhấn mạnh.
“Trong cuộc tranh cãi này, chúng tôi không cần sự thương hại của Bộ GTVT nhưng chúng tôi cần sự bình đẳng”- ý kiến của bà Trần Thị Thu Trang, đại diện Taxi Thủ đô Sao Nội cũng là nguyện vọng chung của các hãng taxi truyền thống.
Giải đáp các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Uber, Grab xuất hiện dẫn đến xáo trộn hoạt động của taxi truyền thống. Quản lý nhà nước đang phải làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp. Phải có sơ kết, đánh giá, tổng kết hoạt động thí điểm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT chỉ chấp thuận cho Grab, Uber thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nên Bộ GTVT không kiểm soát số lượng xe. Số lượng xe đăng ký theo quản lý địa phương và do các Sở GTVT quyết định. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến về việc loại xe dưới chín chỗ ngồi đang phát triển quá nhanh, trong đó phải tìm biện pháp quản lý, xử lý các xe taxi trá hình, không có phù hiệu...
Ông Trường cho biết, cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ tổng kết hai năm thực hiện thí điểm và đưa ra các giải pháp để triển khai tốt hơn. Nhưng từ nay đến cuối năm Bộ GTVT sẽ làm việc với Uber, Grab và mời lãnh đạo của Cục Thuế, Bộ Công Thương các tỉnh tham gia thí điểm để xác định rõ loại hình Grab, Uber. Tiếp đó, Bộ GTVT sẽ làm việc với Cục Thuế của Bộ Tài chính để làm rõ vấn đề thuế; làm việc Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.
Tại hội nghị, vẫn còn rất nhiều đại biểu nhấn nút đối thoại chứng tỏ “cuộc chiến” vẫn đang nảy lửa, chưa có hồi kết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng vì thời gian có hạn nên những ý kiến của các hãng taxi truyền thống góp ý, kiến nghị trong cuộc đối thoại sẽ được tổng hợp, nếu vướng mắc Bộ GTVT sẽ xin ý kiến của Chính phủ.
Về dịch vụ GrabShare của Grab, Bộ GTVT đã gửi công văn “tuýt còi” nhưng Grab vẫn triển khai, như vậy là coi thường pháp luật, Bộ sẽ xử lý nghiêm minh vấn đề này và sẽ công khai kết quả xử lý.
Bên cạnh đó, các hãng taxi truyền thống cũng phải thay đổi để phát triển, với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho người dân. Tại sao taxi truyền thống không khuyến mãi giảm giá như Uber, Grab để thu hút khách hàng? Việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh là quy luật tất yếu của cuộc sống và nếu doanh nghiệp nào không theo kịp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam: Tính năng mang lại lợi ích thì sẽ được ủng hộ, tạo điều kiện phát triển
“GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Hiện Grab vẫn đang làm việc tích cực với Bộ GTVT để hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Phía Grab tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, xã hội thì sẽ được hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển, như khi Chính phủ và Bộ GTVT đã thể hiện khi chấp thuận thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.
Một chuyên gia về quản lý vận tải ở Hà Nội: Bài toán khó đối với nhà quản lý
Trước tình trạng các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM đang đau đầu về “xe dù, bến cóc”, tôi cho rằng tính năng GrabShare của Grab rất có thể là một gợi ý rất tốt cho Bộ GTVT và cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương nghiên cứu, xem xét để quản lý xe hợp đồng và xe du lịch hiện nay, giúp minh bạch trong thị trường vận tải, tạo cạnh tranh lành mạnh.
Từ câu chuyện cạnh tranh quyết liệt của taxi truyền thống và taxi công nghệ thời gian qua đang đặt ra vấn đề làm sao để người tiêu dùng được hưởng dịch vụ tiện ích, hiện đại, giá rẻ mà vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch. Thiết nghĩ, đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý ngành vận tải taxi tại Việt Nam.
Bà Phạm Thu Oanh (ở quận Ba Đình, Hà Nội): Quyền lợi của khách hàng là trên hết!
Hãy khoan nói đến việc có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay những bất cập trong câu chuyện quản lý của ngành vận tải taxi, với tư cách một hành khách, chúng tôi chỉ quan tâm đến tiện ích, chất lượng và giá cả dịch vụ. Cùng một mặt bằng dịch vụ và tiện ích như nhau thì khách hàng sẽ chọn loại taxi giá cả rẻ hơn, có nhiều chương trình khuyến mại hơn; đấy là chưa kể Grab, Uber có ưu điểm vượt trội về tiện ích công nghệ nên đương nhiên được khách hàng ưa chuộng.