Cần siết lại các cuộc thi nhan sắc

(PLVN) - Việc gia tăng vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và nhiều hoa hậu phạm pháp gần đây đã đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn trong quản lý các chương trình, cuộc thi nhan sắc.
Bắt hoa hậu thiện nguyện vì lừa đảo.
Bắt hoa hậu thiện nguyện vì lừa đảo.

“Loạn” danh xưng hoa hậu

Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, nhà thơ Dương Xuân Nam - “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từng chia sẻ: “Ngày nay, một số cuộc thi về sắc đẹp không đặt mục đích tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu mà còn có nhiều mục đích khác. Thí sinh tham gia thi không đến cuộc thi sắc đẹp với mục tiêu hướng tới cái đẹp, coi đó là ngày hội văn hoá mà đến với mục đích kiếm danh, kiếm tiền. Đó là điều đáng lo ngại. Tôi nghĩ ngày nay danh xưng hoa hậu đang bị loạn”.

Thực tế nhiều hoa hậu đã có hành vi vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt giữ P.T.M.P (SN 1986, trú tại phường 9, TP Đà Lạt), từng được trao giải “Hoa hậu thiện nguyện” trong cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 để điều tra tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra bước đầu, tháng 10/2022, P.T.M.P nói với ông D (ngụ TP Đà Lạt) đang thoả thuận mua 1,7ha đất thôn Cổng Trời (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) với giá 22 tỷ đồng, đặt cọc 3 tỷ đồng; P.T.M.P đã tìm được người mua lại với giá 23,6 tỷ đồng. Theo đó, chỉ cần đặt cọc tiền rồi bán lại cho bên thứ 3, thu lợi 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận chia theo tỉ lệ vốn góp. Để tạo lòng tin, P.T.M.P gửi ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông D xem. Đến khoảng 19h ngày 31/10/2022, vợ chồng ông D đến spa Mộc Hoa (đường Phan Bội Châu, TP Đà Lạt) của P.T.M.P để bàn bạc góp 1,8 tỷ đồng đặt cọc mua đất. Thực chất, sau khi nhận được số tiền 1,8 tỷ đồng, P.T.M.P không sử dụng để đặt cọc mua đất như trên mà dùng để trả nợ cho người khác. Từ đó đến nay, P.T.M.P không trả lại số tiền 1,8 tỷ đồng cho ông D.

Ngày 26/7/2017, TAND TP HCM đã kết án và tuyên phạt bị cáo T.T.T.N, sinh năm 1960, người từng đạt danh hiệu Hoa hậu Quý bà thành đạt năm 2009, mức án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Một số hoa hậu, hoa khôi phạm pháp vì tội “Môi giới mại dâm” như Hoa hậu M.X. Năm 2009, M.X đăng quang cuộc thi Hoa hậu Nam Mê Kông. Năm 2012, dư luận rúng động khi M.X bị phanh phui cầm đầu đường dây môi giới mại dâm nghìn đô chuyên môi giới người mẫu, ca sĩ, hoa khôi bán dâm cho đại gia.

Cần chế tài nghiêm khắc

Những năm gần đây, liên tiếp các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Nhiều scandal xuất hiện như hoa hậu ăn nói “nhảm nhí”, hoa hậu lộ chuyện có chồng, chuyện chạy giải, chuyện thí sinh không có hồ sơ nhưng vẫn đi thi... Có thể nói, việc gia tăng vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp còn phần nào phản ánh thái độ xem nhẹ quy định pháp luật của các đơn vị tổ chức. Các vi phạm này vừa gây dư luận xấu trong xã hội, vừa đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn trong cấp phép và hậu kiểm các chương trình, cuộc thi sắc đẹp.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Dân nguyện từng chuyển đến Bộ VH,TT&DL kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về việc cần tổng kết công tác tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi ích gì cho xã hội, để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ. Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng vi phạm nêu trên, lập lại trật tự trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Ở góc độ pháp luật, theo quy định tại Nghị định 38/2021 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo thì mức phạt cho các hành vi vi phạm về việc thực hiện các cuộc thi sắc đẹp trái phép là “quá nhẹ”. Điều này đã và đang tạo nên tiền lệ xấu, một số đơn vị không ngại tổ chức không phép, chấp nhận sai phạm để thu lợi bất chính và nộp phạt sau.

Đã đến lúc phải nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp và có những quy chế nghiêm ngặt để danh xưng hoa hậu thực sự là đại diện cho phái đẹp với vẻ đẹp chân - thiện - mỹ - trí, mang giá trị và ý nghĩa cho xã hội.