Cần sớm hoàn thiện pháp luật về đầu tư công

Cũng như tình trạng chung của toàn bộ hệ thống pháp luật, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thì thông tư của các Bộ, liên Bộ lại là những văn bản giữ vị trí… quan trọng nhất nhưng chúng không ổn định vì liên tục được sửa đổi, bổ sung.

Đây là đánh giá của Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Võ Đình Toàn tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tính hiệu quả của các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước” do Viện tổ chức vào sáng 1/6. Điều này làm cho pháp luật về đầu tư công rơi vào tình trạng tản mạn, chắp vá không những tạo rào cản cho việc thực hiện mà còn khó khăn đối với công tác kiểm tra, giám sát.

Để phát huy hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đóng vai trò của pháp luật trong quản lý dự án đầu tư, ông Toàn cho rằng, hệ thống pháp luật về đầu tư công cũng phải được xây dựng một cách thống nhất, minh bạch, khả thi. Đây là yêu cầu đối với hệ thống pháp luật nói chung nhưng trong lĩnh vực đầu tư công thì nó sẽ đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, góp phần chống tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, pháp luật về đầu tư vốn nhà nước không thể thiếu những quy định cá thể hóa trách nhiệm đối với người có trách nhiệm quản lý để nếu xảy ra vụ việc thì có thể quy kết trách nhiệm cho cá nhân. Không những thế, lĩnh vực pháp luật này cũng phải có những quy định cụ thể về công khai, minh bạch, về đối tượng đầu tư…

Ban hành Luật Đầu tư công với các biện pháp chế tài nghiêm khắc là đề xuất của ông Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam). Bên cạnh đó, cần khống chế số dự án đầu tư công, tránh dàn trải, thiếu nguồn lực thực thi và thiếu năng lực quản lý, giám sát.

Sơn Hà

Đọc thêm