Pháp luật Việt Nam online ngày 6 và 26/12/2012 có các bài phản ánh về vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng. Đặc biệt, trong phiên tòa phúc thẩm, việc truy tố, xét xử oan đối với bị cáo đã được chính đại diện VKS thừa nhận bằng việc đề nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo Nguyễn Nam Bình. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã không sửa sai mà chỉ giảm án 2 năm tù đối với bị cáo cho dù bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt mà chỉ kêu oan.
Sau khi Pháp luật Việt Nam online phản ánh về vụ án, nhiều bạn đọc đã đồng tình với báo, cho rằng vụ án này là một vụ án oan sai điển hình.
|
bài đăng trên PLVN online |
Ban đọc có tên Công Lý cho rằng, “những tình tiết trong vụ này là quá rõ ràng,mà không hiểu vì lý do gì mà cả 2 cấp tòa lại cố tình xử với tội danh trên trong khi VKS đã rút truy tố tội này đối với anh Bình? Điều quan trọng nữa, theo qui định của pháp luật hình sự thì TA chỉ được xét xử tội danh mà VKS truy tố? Theo tôi, ngay cả việc đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị chuyển tội danh và xử phạt Bình 12 đến 15 tháng tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản” cũng không thuyết phục”.
Trở lại nội dung vụ án, bị cáo Nguyễn Nam Bình, trú tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm là lái xe taxi của Cty Cường Thịnh. Chiếc xe mà Bình lái là xe Bình góp vốn cùng công ty mua. Theo đó trị giá xe là 380 triệu đồng, trong đó anh Bình góp vốn là hơn 218 triệu đồng. Chiếc xe do Cty Cường Thịnh đứng tên đăng ký. Theo hợp đồng giao xe thì Bình không được cầm cố, chuyển nhượng hoặc vứt bỏ xe hoặc mang ô tô đi đảm bảo lãnh cho bất kỳ ai.
Ngày 20/10/2011, Bình được Khúc Thế Mạnh, trú tại Gia Lâm, gọi xe chở đi Thanh Hóa với yêu cầu tháo biển taxi và logo xe. Bình đã báo cáo Cty và được đồng ý. Nhưng, khi đến đón Mạnh thì Mạnh lại đổi ý, không đi Thanh Hóa nữa mà đề nghị Bình cho thuê xe sử dụng trong 4 ngày. Ngày 24/10, Bình trở lại lấy xe thì Mạnh đề nghị Bình mượn xe để cầm đồ vay tiền làm ăn trong một vày ngày rồi trả xe. Mạnh cam kết sẽ trả tiền thuê xe đối với những ngày mượn xe để cầm cố. Bình đã đồng ý cho Mạnh mượn xe để cầm cố vay tiền của anh Nguyễn Đức Duy, là người quen của Mạnh. Theo yêu cầu của Duy, Bình đã đứng ra viết giấy cầm cố chiếc xe ô tô để Mạnh được vay 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, Bình không sử dụng một đồng nào.
Hết thời gian cầm cố xe, Bình tìm gặp Mạnh để lấy xe thì Mạnh đã tiêu hết tiền và không có khả năng trả nợ anh Duy để lấy lại xe trả cho Bình. Nhiều lần đòi xe không được, Bình đã báo cáo với Cty và trình báo Công an huyện Gia Lâm để giải quyết vụ việc. Bản thân Bình và gia đình cũng tìm mọi cách để đòi lại xe, kể cả việc nhờ cơ quan chức năng giải quyết.
Với những nỗ lực của Bình, gia đình Khúc Thế Mạnh đã đem tiền trả cho anh Nguyễn Đức Duy. Vì vậy, ngày 5/12/2011, anh Nguyễn Đức Duy đã giao xe cho Công an huyện Gia Lâm để trả cho Công ty Cường Thịnh và Nguyễn Nam Bình. Trong thời gian chiếc xe bị anh Duy chiếm giữ, Bình vẫn nộp đầy đủ tiền lãi trả góp mua xe và tiền bộ đàm hàng tháng cho Cty theo quy định. Bản thân Bình thì chưa lấy được tiền cho thuê xe từ Khúc Thế Mạnh.
Với những tình tiết như trên, Cty Cường Thịnh không mất bất cứ tài sản nào, kể cả tiền doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi đối với chiếc ô tô bị chiếm giữ. Người mất “tài sản” duy nhất trong vụ án này chính là Nguyễn Nam Bình.
Thế nhưng, cũng sau khi thu giữ được chiếc xe này, Công an huyện Gia Lâm đã khởi tố Nguyễn Nam Bình về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo nhận định của CQĐT, việc Bình mang xe của Cty Cường Thịnh đi cầm cố lấy tiền cho Mạnh sử dụng sau đó không có tiền chuộc xe là phạm tội nên đề nghị VKS huyện Gia Lâm truy tố đối với Bình. Ngày 21/9/2012, TAND huyện Gia Lâm đã tuyên phạt Bình 8 năm tù giam trong sự bất bình của nhiều người.
Không chỉ Nguyễn Nam Bình kháng cáo đối với bản án này mà ngay cả bị hại là Cty Cường Thịnh cũng không đồng ý với án tù 8 năm mà tòa “dành” cho Nguyễn Nam Bình. Trong phiên tòa phúc thẩm, trước những chứng cứ khá rõ ràng, VKS đề nghị đổi tội danh thành tội “Sử dụng trái phép tài sản”. Dù tội danh này không phù hợp với việc làm của Bình những cũng là hướng đi để cứu lấy một người bị oan trong bối cảnh việc tuyên án “vô tội” cho người bị oan không phải dễ dàng.
Nhưng, TA không chấp nhận đề nghị của VKS, vẫn giữ nguyên tội danh và “ban ơn” cho bị cáo bằng việc giảm 2 năm tù cho dù bị cáo không “xin”. Quyết định này thực sự gây bất bình vì đã đi ngược với những diễn biến của phiên tòa và chứng cứ trong vụ án.
Phân tích về chứng cứ, Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, người bị buộc tội phải có hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, hành vi độc lập của Bình không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì Bình không chiếm đoạt tài sản của Cty. Bình cũng không đồng phạm với Khúc Thế Mạnh vì nếu coi là chiếm đoạt tài sản thì Bình không thể chiếm đoạt tài sản của chính mình, do chiếc xe có phần vốn góp của Bình.
Một ý kiến khác, Luật sư Trương Anh Tuấn, cho rằng, trong vụ án này, kể cả hành vi “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp rồi không có khả năng trả lại tài sản” cũng chưa xảy ra. Mặc dù việc Bình sử dụng tài sản để cầm cố là không đúng nhưng bằng những nỗ lực, Bình đã lấy lại được tài sản. Do đó, Bình không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Một nghịch trong vụ án này thể hiện rất rõ, Bình là người duy nhất bị thiệt hại về tài sản và lại bị kết án tù. Nếu bản án này không được xem xét lại thì còn đâu sự công minh, công bằng của pháp luật?
Bình Minh