Cần sớm quy định cụ thể việc xử lý hành chính các vụ bắt giữ thuốc lá nhập lậu

(PLVN) - Tại Hội thảo “Phòng chống buôn lậu thuốc lá” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục Hải quan khuyến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể mức xử lý đối với các vụ việc bắt giữ thuốc lá nhập lậu với số lượng dưới 1.500 bao.

Thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng/năm

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – cho biết, dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên nhưng buôn lậu thuốc lá tại nước ta vẫn gia tăng, xuất phát  từ nhiều lý do, trước hết là do hoạt động này đem lại siêu lợi nhuận lên tới trên 400%.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ nhiều thông tin về buôn lậu thuốc lá.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ nhiều thông tin về buôn lậu thuốc lá.

Hệ quả là hàng năm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng, “chảy máu” ngoại tệ khoảng 500 triệu USD. “Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu đồng nghĩa với việc không làm thủ tục hải quan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ về các loại thuốc lá thế hệ mới, ông Hùng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, đây chưa thuộc diện mặt hàng Nhà nước cho phép lưu thông, chưa có chính sách gì nên đương nhiên chưa có các quy chuẩn về mặt kỹ thuật, chất lượng… Những mặt hàng được rao bán tại Việt Nam là không chính thức, thông qua thương mại điện tử, không kiểm soát được nguồn.

Theo ông Hùng, bản thân việc chống buôn lậu thuốc lá truyền thống đã rất phức tạp, tình hình buôn lậu đã diễn biến rất tinh vi, huống chi là các loại thuốc lá thế hệ mới được đưa vào nước ta bằng những con đường không chính thức, không được kiểm soát. 

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thuốc lá thế hệ mới giả và chất lượng của những mặt hàng đó có những chất độc hại với sức khỏe người tiêu dùng là việc không được kiểm soát, không được quản lý.

Với nhận định tình hình buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị, trong chống buôn lậu thuốc lá nói chung, chúng ta cũng cần tập trung chống buôn lậu mặt hàng thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Ông Hùng cũng thông tin, thực hiện Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách các sản phẩm thuốc lá điện tử nhưng đến nay vẫn trong quá trình xem xét, lấy ý kiến.

Tăng cường chế tài xử phạt

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - thông tin, từ năm 2019 đến nay, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của lực lượng quản lý thị trường, số vụ kiểm tra thuốc lá nhập lậu là 2.428 vụ, số vụ xử lý là 1.976 vụ, số lượng thuốc lá tịch thu là 646.450 bao, số tiêu hủy là 96.268 bao, phạt hành chính hơn 8,6 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 16 vụ.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo. 

Ông Phan Đình Quân – chuyên viên Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan – chỉ ra rằng, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự. 

Như vậy, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng dưới 1.500 bao sẽ bị xử lý hành chính. Vì vậy, cần phải có văn bản pháp luật quy định việc xử lý hành chính với các vụ việc bắt giữ thuốc lá nhập lậu.

Ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành những quy định pháp luật nghiêm khắc hơn nữa để xử phạt hành vi kinh doanh, bày bán thuốc lá lậu công khai như hiện nay; kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các địa điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Triết cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích khoảng 50% Quỹ để tăng biên chế, trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Đọc thêm