Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập được củng cố, kiện toàn
Bộ Tư pháp cho biết, sau 05 năm triển khai, thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (theo Quyết định số 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) ngày 28/02/2018 với sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương, sự quan tâm của Thủ trưởng các Bộ, ngành, sự nỗ lực các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương nên về cơ bản các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án đã và đang được triển khai, thực hiện, trong đó có một số nhiệm vụ đã hoàn thành.
Ngoài các quy trình giám định ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thì quy trình giám định, áp dụng quy chuẩn chuyên môn, thời hạn giám định ở hầu hết các lĩnh vực giám định kiêm nhiệm đã được các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành; Phân viện Viện pháp y tâm thần Trung ương đã được thành lập và đưa vào hoạt động tại khu vực bắc miền Trung ở Nghệ An; quy định về cơ sở vật chất cho tổ chức giám định kỹ thuật hình sự đã được Bộ Công an quan tâm, ban hành;
Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập được củng cố, kiện toàn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện giám định; tài liệu tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định tư pháp được Bộ Tư pháp thường xuyên cập nhật, hoàn thiện
Công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định ở các địa phương và bộ, ngành từng bước được quan tâm, tăng cường trong thời gian qua; chế độ kéo dài thời gian làm việc 05 năm cho đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đã được Bộ Y tế quan tâm, kiến nghị Chính phủ ban hành quy định nhằm góp phần thiết thực vào việc khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực làm giám định; Quy chế phối hợp liên ngành ở cấp Trung ương đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành nhằm tăng cường hơn nữa cơ chế thông tin, phối hợp trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp. Những kết quả đó đã góp phần làm cho công tác giám định tư pháp hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ người giám định tư pháp
Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện Đề án cũng bộc lộ những hạn chế. Trong đó, việc bảo đảm, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động cho tổ chức giám định tư pháp chuyên trách cũng còn hạn chế, khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các đơn vị pháp y trong toàn quốc từng bước được quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao. Đến nay, có khoảng 25% Trung tâm chưa có trụ sở riêng. Một số đơn vị có trụ sở riêng nhưng diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị, phương tiện giám định chưa bảm đảm theo quy định mức tối thiểu của Bộ Y tế;
Bên cạnh đó, nguồn thu từ chi phí giám định thấp. Nguồn kinh phí được cấp mua sắm trang thiết bị chuyên môn còn hạn chế, Đặc biệt, nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của một số tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần không được bảo đảm; Các chế độ, chính sách đối với người giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn; Chính sách ưu đãi trong đào tạo, thu hút nhân lực đầu vào cho chuyên ngành pháp y, pháp y tâm thần chưa thực sự phát huy tác dụng... Chưa thể huy động, thu hút được các tổ chức, nhà chuyên môn tham gia hoạt động giám định tư pháp do chưa có được chế độ, chính sách ưu đãi thoả đáng.
Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, cần đầu tư thỏa đáng về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ người giám định tư pháp ở Trung ương, địa phương và đội ngũ công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp; Có chính sách thoả đáng thu hút, huy động các chuyên gia giỏi, các tổ chức chuyên môn có năng lực tốt ở các ngành nghề, lĩnh vực tham gia hoạt động giám định tư pháp
Kịp thời tôn vinh, khen thưởng những tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp từ chối trưng cầu giám định không có lý do chính đáng, né tránh việc giám định, kết luận giám định không bảo đảm chính xác, khách quan;
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định và kinh phí hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập, đồng thời bảo đảm kinh phí, điều kiện giám định cho các cơ quan, đơn vị và người giám định ở lĩnh vực kiêm nhiệm thuộc khu vực nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định.
Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định./.