Cẩn thận với sinh vật ngoại lai

Những năm gần đây, hàng loạt sinh vật ngoại lai có mặt tại nước ta gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường và sức khỏe con người như cây mai dương, ốc bươu vàng, chuột hamster...

Những năm gần đây, hàng loạt sinh vật ngoại lai có mặt tại nước ta gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường và sức khỏe con người như cây mai dương, ốc bươu vàng, chuột hamster... Mới đây nhất, việc rùa tai đỏ và tôm hùm đỏ được các doanh nghiệp thủy sản nhập khẩu làm tăng mối lo ngại về nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái khi các loài này thoát ra môi trường.Trong đó, rùa tai đỏ được xếp vào danh mục 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới cũng như có khả năng mang vi khuẩn gây bệnh thương hàn... Còn tôm hùm đỏ dữ tợn hai càng to có khả năng đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn và đấu tranh sinh tồn với các loài tôm bản địa.

Các nhà nghiên cứu sắp xếp các loài động vật thủy sinh theo từng nhóm. Nhóm đạt danh mục trắng, gồm các loài động vật đã qua kiểm tra, khảo nghiệm và đưa ra nuôi ở diện rộng với thời gian tương đối dài nhưng chưa phát hiện chúng có khả năng xâm lấn các loài bản địa, có thể đưa vào nuôi trong diện rộng Các loài trong danh mục xám, gồm các loài động vật thủy sinh lạ nhập nội nhưng chưa rõ nguy cơ hoặc có ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, người nuôi. Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để đánh giá rõ tác động của chúng, đó là các loài: tôm càng đỏ, tôm chân trắng, cá diếc lưng gù, cá cátla, cá mrigan, cá chép các dòng, cá mè trắng Trung Hoa, cá trâu, cá rô-hun, cá trê phi, cá chim trắng bụng đỏ nước ngọt, cá chim trắng toàn thân, cá bạc, cá bọ gậy muỗi, cá song nước ngọt….cá rô phi đen, cá rô phi đỏ, cá đù Mỹ, cá quế, ếch bò Cu ba, cá vược Mỹ miệng bé, cá vược Mỹ miệng rộng, cá rô phi vằn. Các nhà khoa học đã xếp hạng danh mục đen và cảnh báo đối với các loài động vật thuỷ sinh nhập nội gây nguy cơ xâm hại đến các loài thuỷ sản bản địa, gồm: ốc bươu vàng, cá tỳ bà, cá nheo Âu, cá hổ, rùa tai đỏ, cá sấu Cu ba, hải ly.

Rùa tai đỏ

Trong thực tế, phong trào nuôi ốc bươu vàng ở các địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ hay phong trào nuôi hải ly ở các tỉnh phía Nam gây ra những ảnh hưởng có hại cho môi trường sinh thái và các loài thủy sản truyền thống. Gần đây nhất là việc người dân đưa rùa tai đỏ và tôm hùm càng đỏ vào nuôi, phóng sinh khắp môi trường.Tác hại của các loài động vật này được chứng minh trong thực tế. Các hộ nuôi thuỷ sản trong cả nước đều nhận khuyến cáo ngừng nuôi ốc bươu vàng và hải ly. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, còn có nhiều loại động vật thuỷ sinh có hại. Cá tỳ bà là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là dạng chất thải khi cá xuất hiện với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước của các loài thuỷ sản. Rùa tai đỏ là loài ăn tạp, thức ăn của chúng thay đổi theo lứa tuổi. Khi nhỏ, rùa tai đỏ ăn thịt, có giai đoạn đang phát triển chúng ăn thực vật. Khi trưởng thành, rùa tai đỏ ăn tạp bất kể động vật hay thực vật, có tác hại với các loài thủy sinh, kể cả rùa bản địa. Khi thoát ra ngoài, rùa tai đỏ có thể sinh sôi, phát triển dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh thái….

Cùng với đầu tư cho lĩnh vực tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, việc sử dụng hợp lý các động vật thuỷ sinh cũng có ý nghĩa quan trọng trong công tác phát triển bền vững. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều loài động vật thủy sinh nhập vào nước ta. Vì vậy, nhân dân cần được trang bị kiến thức, nhận biết cụ thể về các loài động vật lạ. Điều này giúp họ có hướng nhập và nuôi hợp lý các giống thuỷ sản, tránh tình trạng nhập các giống thuỷ sinh có hại cho các giống thuỷ sản truyền thống và môi trường sinh thái.

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cùng với Tổng cục Hải quan sẽ siết chặt việc nhập khẩu rùa tai đỏ và một số loại thủy sản có hại vào Việt Nam. Hiện Tổng cục Thủy sản ban hành danh mục các loài thủy sinh có nguy cơ xâm hại môi trường, các loài xâm hại môi trường. Bộ Nông nghiệp -PTNT sẽ ban hành thêm các thông tư quy định về việc quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam. Trong đó, một nội dung mới là tăng cường xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm. Người dân thả một loài xâm hại đến môi trường ra bên ngoài là có thể phạt tới 20 triệu đồng./.

                                                                                                Vân Khánh

Đọc thêm