Cẩn thận với thỏa thuận "ngầm" của broker

Trên thị trường chứng khoán, nhiều vụ việc nhà đầu tư “tố” bị công ty chứng khoán gây thiệt hại, thường được châm ngòi từ mâu thuẫn với nhân viên môi giới. Tình trạng “ruồi muỗi đánh nhau” đang khiến các công ty chứng khoán e ngại vạ lây.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều vụ việc nhà đầu tư “tố” bị công ty chứng khoán gây thiệt hại, thường được châm ngòi từ mâu thuẫn với nhân viên môi giới. Tình trạng “ruồi muỗi đánh nhau” đang khiến các công ty chứng khoán e ngại vạ lây.

Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán An Phát, đề xuất, các công ty chứng khoán cần công khai danh tính nhân viên môi giới (broker) vi phạm đạo đức kinh doanh thông qua Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, để đào thải đối tượng vi phạm.

Khôn lường thỏa thuận ngầm

Với vai trò “cầu nối” giữa công ty chứng khoán với khách hàng, các giao dịch mà nhân viên môi giới thực hiện rất dễ nằm ngoài nhiệm vụ được giao, vượt khỏi phạm vi được nhà đầu tư ủy quyền. Mới đây nhất, ba nhà đầu tư Lê Thị Bích Thuỷ (Đồng Tháp), Trần Thị Thiện (Cần Thơ) và Nguyễn Thị Kim Loan (Vĩnh Long) gửi đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an để “tố” một môi giới của Công ty chứng khoán Thiên Việt có hành vi lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư.

Mặc dù không được ba người trên ủy quyền vay tiền từ Công ty chứng khoán Thiên Việt để mua chứng khoán và rút tiền khỏi tài khoản của nhà đầu tư nhưng người môi giới vẫn thực hiện các giao dịch này, khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiện tài khoản của ba người đang bị phong tỏa, phục vụ công tác điều tra.

Theo ông Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán An Thành, với đặc thù hành nghề của mình, các nhân viên môi giới không khó “qua mặt” hệ thống kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán.
Thỏa thuận giữa nhà đầu tư với nhân viên môi giới rất dễ trở thành tranh chấp khi kinh doanh thua lỗ. (Ảnh: Như ý)
Thỏa thuận giữa nhà đầu tư với nhân viên môi giới rất dễ trở thành tranh chấp khi kinh doanh thua lỗ. (Ảnh: Như ý)
Nhất là khi họ cố tình có những thỏa thuận ngầm với khách hàng, để thực hiện các giao dịch theo thỏa thuận giữa hai bên, hoặc tự ý tiến hành các giao dịch theo ý muốn chủ quan. Vì mối quan hệ thân quen giữa hai bên, nên không ít trường hợp nhà đầu tư coi nhân viên môi giới như “người nhà”, tin tưởng giao tiền, chứng khoán cho họ giao dịch. Khi đầu tư hiệu quả thường không có chuyện gì, nhưng nếu thua lỗ, rất dễ phát sinh tranh chấp giữa hai bên. Khi đó công ty chứng khoán dễ bị vạ lây.Xử lý nặng đối tượng vi phạm Ông Trần Thiên Hà cho rằng, quan trọng nhất là công ty chứng khoán cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý rủi ro. Điều này chỉ có thể mang lại hiệu quả cao khi có sự trợ giúp của nhà đầu tư. Bởi hơn ai hết, họ là người trực tiếp tiến hành các giao dịch với nhân viên môi giới nên luôn nắm được các dấu hiệu bất thường, có thể dẫn đến tranh chấp. “Nhà đầu tư cần nắm được những thỏa thuận của mình với nhân viên môi giới có nằm trong khuôn khổ sự cho phép của pháp luật, của nội quy hoạt động của công ty chứng khoán và trong phạm vi nhà đầu tư ủy quyền hay không. Khi phát hiện bất cứ giao dịch nào mà nhân viên môi giới tiến hành, có dấu hiệu nằm ngoài ranh giới của các ràng buộc này, nhà đầu tư cần thông tin cho công ty chứng khoán để giải quyết kịp thời”, ông Hà khuyến nghị. Trong khi chờ cơ quan quản lý hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, các công ty chứng khoán đang nỗ lực triển khai nhiều hình thức quản trị rủi ro: Thông báo kết quả giao dịch qua SMS, ghi âm khi khách hàng đặt lệnh giao dịch qua điện thoại… Ngày càng nhiều công ty chứng khoán triển khai hệ thống định kỳ tự động gửi sao kê tài khoản qua e-mail cho khách hàng, nhằm giúp nhà đầu tư kịp phát hiện những giao dịch lạ, qua đó giảm thiểu rủi ro cho cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư. Mạnh tay hơn, Công ty CP chứng khoán An Thành còn nghiêm cấm nhân viên môi giới mua, bán chứng khoán và chuyển tiền trong tài khoản của nhà đầu tư, khi chưa có lệnh của khách hàng. Nhân viên nào cố tình vi phạm, ngoài bị đuổi việc, còn công bố thông tin và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý.
 Theo Thanh Vân
Đất Việt

Đọc thêm