Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, nghị quyết 43 là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 43; kịp thời ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa nghị quyết với 525 nhiệm vụ. Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (tỷ lệ 21,5%) và đang triển khai 390 nhiệm vụ (74,3%)…
Đà Nẵng cũng bám sát và gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng như: Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô cấp vùng; phát triển kinh tế biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực; xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. |
Thời gian gần đây, Đà Nẵng tích cực tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thành phố đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP.
Đà Nẵng liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mới mang tính nhân văn.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng tự nhận thấy quá trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá.
Các nhà khoa học tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thì các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại dịch...
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Đà Nẵng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Điển hình như 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn; các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết 43 đề ra.
Tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng chưa cao, thiếu ổn định, dễ bị tác động bởi các cú sốc, các tác động tiêu cực từ bên ngoài; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Chênh lệch GRDP bình quân đầu người so với bình quân vùng và cả nước đang thu hẹp nhanh; chất lượng tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn, lao động.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Tiềm năng về kinh tế biển Đà Nẵng chưa phát huy hiệu quả, nhất là vai trò đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của vùng. Về dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh, nhất là các dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic. Thu ngân sách giảm, nguồn thu thiếu ổn định; huy động các nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao…
Ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Trung ương cần hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù mới. Triển khai Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh, kiểm tra. Nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 43 với các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn như Nghị quyết đã đề ra. Chú trọng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các lĩnh vực, dự án trọng điểm…
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã đưa ra đánh giá chung về tình hình thực hiện thu hút vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh của TP Đà Nẵng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, qua đó đề ra một số giải pháp đột phá trong thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho thành phố Đà Nẵng để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Đại biểu dự hội nghị cũng nghe 10 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về những vấn đề quan trọng trong định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển của Đà Nẵng trong tương lai, như đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng; phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút đầu tư để phát triển kinh tế; phát triển du lịch, tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế…