Cần thêm những “con đường nông sản Việt sang Úc”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoa quả, trái cây Việt Nam, bằng nhiều phương thức khác nhau, dưới nhiều hình thức (quả tươi, đông lạnh, chế biến) đã có vị thế nhất định ở thị trường Úc - một đất nước có nền nông nghiệp phát triển khá mạnh.
Ông Trần Thanh Hải phát biểu trong một sự kiện ở Ý.
Ông Trần Thanh Hải phát biểu trong một sự kiện ở Ý.

Trái cây Việt xuất ngoại được ưa thích, bán được giá

Theo Liên minh Kỷ lục Thế giới, Woolworths là một chuỗi siêu thị và cửa hàng tạp hóa của Úc thuộc sở hữu của Tập đoàn Woolworths, do 5 doanh nhân người Úc thành lập vào năm 1924. Hiện nay, Tập đoàn Woolworths là công ty lớn thứ hai ở Úc theo doanh thu và Woolworths là chuỗi siêu thị lớn nhất tại Úc với thị phần chiếm trên 37%. Và điều bất ngờ là trên trang mua bán trực tuyến của hệ thống siêu thị này, sản phẩm thanh long đông lạnh của Việt Nam được đánh giá mức 5 sao (là mức cao nhất) với những bình luận như “Rất yêu thích, tôi có thể mua được quanh năm hay không?”; “Sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao”.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, tại hệ thống đại siêu thị Coles (thị phần chiếm khoảng 30%), thanh long tươi mang nhãn hiệu Rồng Đỏ đang được bán với giá 4,9 đô la Úc/quả (tương đương khoảng 83.000 đồng/quả) và được bày bán quanh năm tại chuỗi siêu thị này do khách hàng luôn đánh giá cao về chất lượng.

Ở những siêu thị nhỏ hơn như hệ thống MCQ - hệ thống bán sỉ và lẻ lớn nhất nhì ở bang Tây Úc, khi trả lời khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Australia, đại diện siêu thị cho biết “thanh long cứ đến, chúng tôi bán quanh năm”. Giám đốc Cty HoaAustralia cũng cho biết, thanh long là mặt hàng chiến lược của công ty để thực hiện phân phối dọc các thành phố bờ biển nước Úc. Có những thời điểm, thanh long không có đủ để bán.

Đáng chú ý, Úc là một quốc gia khá mạnh về nông nghiệp và cũng là quốc gia trồng được thanh long. Tuy nhiên, nhờ nhiều nỗ lực chung, trong đó có các hoạt động quảng bá mạnh của Thương vụ trong 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu (XK) thanh long Việt Nam sang Úc tăng trưởng mạnh, lên đến gần 85% so với 6 tháng cùng kỳ.

Tương tự, Australia cũng là quốc gia trồng mít, nhưng mít Việt Nam (đông lạnh và chế biến) vẫn được Thương vụ Việt Nam tại Úc đưa vào danh sách trọng điểm đẩy mạnh XK và xây dựng thương hiệu trong 2 năm vừa qua. Và khoảng giữa tháng 1/2022, 200 tấn mít đông lạnh loại 1 (tương đương 1.000 tấn mít nguyên liệu) đã được các nhà nhập khẩu (NK), chủ lực là Công ty VINREC Australia, đăng ký tham gia chương trình xúc tiến do Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức.

Đây chỉ là một số hoạt động của các cơ quan ngoại giao về chính trị kinh tế ở nước ngoài đang triển khai để đưa hoa quả tươi và những sản phẩm chế biến từ hoa quả tươi - thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam sang với các cường quốc về nông nghiệp, cũng đồng thời là những khu vực “sành ăn” của thế giới. Ông Phạm Phú Hòa, Thương vụ Việt Nam tại Úc khẳng định, Úc là một thị trường khá khó tính, nếu đạt tiêu chuẩn, XK đều đặn sang Úc và xuất hiện tại các hệ thống siêu thị của người Úc, hoa quả tươi Việt Nam sẽ có thêm nhiều con đường để đến với các quốc gia khác.

“Hành trình thanh long” có thể áp dụng rộng rãi

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng cho rằng, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài DN xuất đến một quốc gia nào đó mà có thể nói là Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường ấy. Cũng không thể chỉ với việc hoa quả, nông sản Việt xuất hiện ở các hệ thống tiêu dùng của người châu Á mà nghĩ rằng đã xuất hiện ở thị trường quốc tế. Về lâu dài, cần đưa nông sản của Việt Nam vào được hệ thống phân phối chính quy của các nước thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Từ đó mới tạo được sức lan tỏa để người tiêu dùng biết đến.

Một chuyên gia nông nghiệp chia sẻ, nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan “không thể chính xác hơn” bởi gần đây, hoa quả Việt Nam đông lạnh xuất hiện ở thị trường thế giới khá nhiều, như quả sấu đông lạnh, dừa sáp Trà Vinh, bơ đông lạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở mức “dùng thử”, chưa có một kế hoạch căn cơ cho việc XK này. Tuy nhiên, “cái gì cũng có sự khởi nguồn”.

Sơ chế thanh long xuất khẩu.

Sơ chế thanh long xuất khẩu.

“Ví dụ, với quả thanh long, để được NK nguyên trái tươi vào Úc, chúng ta đã mất 9 năm đàm phán. Và trước đó là vô số lần loại quả này xuất hiện trong những bữa tiệc của sứ quán Việt Nam như một cách ra mắt về chất lượng sản phẩm. Để đến ngày nay, thanh long đã chính thức xuất hiện tại 2 hệ thống siêu thị lớn nhất của người Úc. Nếu chúng ta nhân lên được những con đường nông sản như hành trình thanh long sang Úc, chắc hẳn hoa quả Việt Nam cũng sẽ có một bộ mặt mới, nông sản Việt Nam sẽ có một vị thế vững chắc ở thị trường thế giới” - vị chuyên gia này khẳng định.

Ông Phạm Phú Hòa cho biết, nối tiếp những kinh nghiệm với quả thanh long, Thương vụ Việt Nam sẽ tiếp tục kế hoạch lớn hơn cho mít Việt bởi mít cũng là một loại quả có sản lượng lớn và mang lại giá trị của nông dân Việt. Cụ thể, Thương vụ đã làm việc với các DN NK mít về kế hoạch tiếp thị mít đông lạnh.

Trong đó, Công ty VINREC Australia đã thỏa thuận với Thương vụ về việc triển khai thu mua chế biến khép kín mít Việt Nam để chất lượng đạt loại 1. Ngay khoảng trung tuần tháng 1 và Tết Nguyên đán, 30 tấn mít thành phẩm thương hiệu VINRECT-HT (tương đương 150 tấn mít nguyên liệu) đã được bán ra thị trường. Ngoài ra có khoảng 10 tấn thành phẩm của các DN khác cũng đồng hành, tham gia xuất hiện tại Úc. Số mít còn lại, theo kế hoạch xúc tiến, sẽ được DN tại Việt Nam thu mua, chế biến và XK dần trong năm 2022.

Đáng chú ý, VINREC cũng đã nhất trí với Thương vụ triển khai ngay kho tại Úc với diện tích đủ lớn và hạ tầng hoàn chỉnh, đồng thời có quy trình thu mua, xác định đưa mít trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của công ty để tiêu thụ tại Úc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp xúc tiến mít Việt như thúc đẩy, đưa mít vào hệ thống siêu thị, quảng bá liên tục trên mạng xã hội và các kênh của Thương vụ, triển lãm trực tuyến, tổ chức sự kiện dùng thử, khuyến mãi tặng thưởng có giá trị và phát hành sách điện tử quảng bá, để hy vọng một ngày nào đó, mít đông lạnh Việt Nam cũng sẽ có chỗ đứng vững chắc tại Úc” - ông Hòa nói.

Nhọc nhằn hành trình đưa trái cây Việt xuất ngoại

Ngày còn làm tại cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ý, ông Trần Thanh Hải, hiện là Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã tổ chức một vài bữa tiệc nho nhỏ để giới thiệu quả thanh long với các bạn Ý sau khi nhận được 2 thùng thanh long “từ nhà gửi sang” bằng đường hàng không. Ông Hải cho biết, tất cả các bạn Ý đều khen ngon và khẳng định, nếu loại quả này bán ở siêu thị thì nhất định sẽ mua.

“Thế thì tại sao các chủ siêu thị lại không chịu đưa một thứ quả ngon, ngọt, bổ như thanh long vào để bán” - đó là suy nghĩ mà tôi đã luôn đặt ra trong đầu mình sau những phản hồi về quả thanh long từ những người Ý. Trong một buổi gặp gỡ thân tình, tôi đem câu hỏi đấy ra hỏi Fabrizio - một người bạn là doanh nhân Ý. Fabrizio cười lớn và bảo ở đây không phải là ngon hay không ngon, mà vấn đề là ở khẩu vị và thói quen của người dùng” - ông Hải kể lại.

Theo vị doanh nhân người Ý, những loại trái cây từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh, người châu Âu gọi chung là trái cây ngoại lai. Một số người châu Âu thích các đồ ăn ngoại lai, nhưng đa số người châu Âu vẫn chỉ quen với các loại hoa quả ôn đới có sẵn, chỉ thỉnh thoảng mới nếm thử trái cây ngoại lai cho biết chứ không phải là lựa chọn thường xuyên khi họ vào siêu thị. Điều này khác với người tiêu dùng bên Mỹ, khi nền văn hóa hợp chủng làm cho họ dễ chấp nhận các đồ ăn mới, đồ ăn ngoại lai hơn là châu Âu.

Fabrizio cho biết, như quả kiwi (một loại quả của New Zealand) cũng phải mất vài chục năm mới có thể hiện diện trong các siêu thị lớn của nước Ý. “Tôi cố hỏi Fabrizio thêm một câu, liệu có cách nào rút ngắn hành trình cho thanh long Việt sang Ý, không phải lâu như trái kiwi hay không. Fabrizio cho rằng, nên tận dụng truyền thông” - ông Hải kể tiếp. Tuy nhiên, cách mà Fabrizio đưa ra cũng không hề đơn giản.

Những ngày ở Ý, ông Hải cũng gặp ông chủ của một DN Việt và được nghe kể lại hành trình lăn lộn khắp các nước, sang cả châu Phi, đến các nước châu Âu, để tìm hiểu về thị trường trái cây và cách làm sao bán được trái cây Việt cho họ. “Đó chắc chắn không phải là một chuyến đi vài ngày mà là hàng tháng trời lê la khắp nơi từ siêu thị, trung tâm sơ chế nông sản cho đến các chợ xanh, cửa hàng tạp hóa trong ngóc ngách, mò mẫm, hỏi han, chụp ảnh. Thực sự gọi là đi điều tra, chứ không phải chỉ là khảo sát thị trường” - ông Hải quả quyết.

Đọc thêm