Đây là mục tiêu đề ra trong kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT giai đoạn 2017-2021 vừa được Ban ATGT TP Cần Thơ ban hành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của mọi người dân khi tham gia giao thông và các nhóm đối tượng: các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải; hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; người dân tộc thiểu số, tôn giáo đang sinh sống và làm việc trên địa bàn TP; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đặc biệt là đội ngũ lái xe khách, xe buýt, xe taxi, lái xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, lực lượng vũ trang và người lao động tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân…
Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các quận, huyện trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP.
Theo bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ, để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Ban ATGT TP xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để đảm bảo công tác phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT trên địa bàn TP diễn ra thuận lợi. Đó là biên soạn tài liệu tuyên truyền các quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT qua các phương tiện thông tin đại chúng như đưa tin bài, phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, hình ảnh tai nạn giao thông và hình ảnh, bài viết về gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông; thông tin những hình thức và biện pháp xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi như chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định, chạy ngược chiều…
Thông tin tuyên truyền qua các hệ thống thông tin cơ sở thông qua việc tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại các khu dân cư trên các trục quốc lộ, đường đô thị có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các đoạn, tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, các khu công nghiệp, trường học, bằng loa phát thanh xã, phường, thị trấn, panô, áp phích, biểu ngữ; tổ chức các cuộc ra quân, phát động hưởng ứng theo chủ đề về ATGT; xây dựng các đội tuyên truyền văn hóa lưu động ở cấp quận, huyện...
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống truyền thông qua nhiều phương thức khác như: tuyên truyền trực quan; tuyên truyền bằng tờ rơi, sổ tay; sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền những quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường thủy, tại các bến xe, bến tàu; tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự ATGT trên Cổng thông tin điện tử của TP và sở, ban, ngành, quận, huyện.
“Ngoài ra, Ban ATGT TP cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động thông qua việc tổ chức cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật về trật ATGT hàng năm; thực hiện thường xuyên “Năm an toàn giao thông”, “Tháng cao điểm về ATGT” theo nhiều chủ đề khác nhau; hàng năm tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác tuyên truyền và hoạt động viết, tin bài; tổ chức Ngày hội “Toàn dân với Văn hóa giao thông” cấp TP; tổ chức xây dựng mô hình điểm tuyên truyền “Các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT trên đường thủy nội địa” tại các bến khách ngang sông; Tọa đàm “Các giải pháp đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông”; Hội thi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; tổ chức hoạt động các điểm sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại các quận, huyện…”, bà Xuân cho biết thêm.