Bà Huỳnh Thái Như Ngọc - Trưởng Phòng PBGDPL Sở Tư pháp Cần Thơ - cho biết, 6 tháng đầu năm, các ngành, địa phương trên địa bàn TP làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, các văn bản luật mới ban hành thông qua hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép trợ giúp pháp lý lưu động, hòa giải ở cơ sở; thực hiện ký kết các kế hoạch liên tịch, chương trình phối hợp nhằm PBGDPL đến từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể.
Nổi bật là các cấp, các ngành đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nội bộ và ra dân được 15.269 cuộc với 832.900 lượt người dự. Qua phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp thực hiện tốt việc đưa tin, đăng tải tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các hoạt động liên quan công tác của ngành, hoạt động PBGDPL; phối hợp Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Cần Thơ thực hiện chuyên trang về PBGDPL; Đài Phát thanh - Truyền hình TP, Sở Nội vụ thực hiện chuyên đề “Gặp gỡ và đối thoại” về cải cách thủ tục hành chính; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, trả lời các khiếu nại, thắc mắc của công dân qua “Hộp thư truyền hình” của Đài Phát thanh - Truyền hình TP.
Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh các quận, huyện, hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL tập trung vào các quy định liên quan trực tiếp đến người dân. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử TP, các Trang thông tin điện tử Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện… đã thực hiện 4.300 tin, bài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương.
Các tủ sách pháp luật, kệ sách pháp luật trên địa bàn TP tiếp tục được kiện toàn. Qua thống kê, toàn TP hiện có 952 tủ sách pháp luật, 281 kệ sách pháp luật đặt tại các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, trường học, Quán cà phê pháp luật... Ngoài ra, mô hình kệ sách pháp luật cũng được nhân rộng ở các ấp, khu vực. Các tủ sách, kệ sách pháp luật tiếp tục được trang bị sách và tài liệu PBGDPL phục vụ gần 23.000 lượt người mượn, đọc sách trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, tủ sách pháp luật đặt tại 110 điểm Quán cà phê pháp luật trên địa bàn tiếp tục được khai thác sử dụng và nhân rộng, đảm bảo có từ 50 đầu sách trở lên với số lượng sách mỗi tủ từ 100 đến 300 quyển, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức kiến thức pháp luật, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. Ngoài ra, tủ sách pháp luật còn được đặt tại một số điểm chùa Khơ-me nhằm phục vụ việc tổ chức sinh hoạt của các “Điểm hẹn pháp luật” nơi đây.
Bên cạnh đó, mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả với số lượng 191 Câu lạc bộ pháp luật; ngoài ra, có 63 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đang hoạt động. Qua mô hình này đã góp phần tuyên truyền các quy định pháp luật cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, tôn giáo ở cơ sở...
Công tác PBGDPL trong nhà trường cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai các hình thức PBGDPL thiết thực cho học sinh như: sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, thi tìm hiểu pháp luật, đố vui, phổ biến dưới hình thức sinh hoạt chuyên đề như “Trường em xanh, sạch, đẹp, an toàn”… Kết quả tổ chức được 108 cuộc, có 73.535 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh dự nghe.
Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác PBGDPL được lồng ghép có hiệu quả nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tuyên truyền những quy định của pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, pháp luật về dân sự, khiếu nại, tố cáo... Qua sinh hoạt các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã tuyên truyền Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định liên quan trực tiếp đến người dân...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Chính - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Cần Thơ đề nghị, các thành viên hội đồng cần rà soát lại nhiệm vụ trong năm 2017, hoàn thiện những chỉ tiêu nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, quán triệt các luật mới được Quốc hội thông qua.
Liên kết với ngành chuyên môn, tuyên truyền; tham mưu, kiểm tra công tác PBGDPL để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong toàn xã hội. Công tác PBGDPL cần phải ổn định, hiệu quả, đi vào chiều sâu. “Để pháp luật đi vào đời sống người dân, tất nhiên chúng ta không thể làm một ngày một bữa, vì pháp luật còn thay đổi, con người còn vận động tất nhiên là phát sinh mối quan hệ” - ông Chính nói.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL TP Cần Thơ cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn TP Cần Thơ, trên cơ sở đó làm nền tảng trong công tác.
Về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện 6 tháng cuối năm 2017, Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết, bên cạnh việc tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015; tổ chức thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” năm 2017 sẽ tích cực phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục triển khai, phổ biến Hiến pháp, các văn luật được Quốc hội thông qua; tập trung tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin..., các văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh, thương mại; quốc phòng, an ninh, biển, hải đảo, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống mua bán người; chính sách an sinh xã hội và các văn bản khác liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật...