Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ về những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đạt được trong năm qua, cũng như những định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Xin ông cho biết khái quát về những thành tựu nổi bật của thành phố Cần Thơ trong năm 2017?
- Có thể nói, với sự quyết tâm chính trị, sự đoàn kết nỗ lực, phát huy tốt các nguồn lực, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện Nghị quyết nhiệm vụ năm 2017 của Thành ủy đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra. Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, tăng 7,83% so với năm 2016, vượt 0,57% kế hoạch, cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng đạt kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 73 triệu đồng, tăng 7,33 triệu đồng so với năm 2016.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá cả về quy mô, chất lượng và năng lực cạnh tranh; hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi động, doanh thu tăng cao so với cùng kỳ, nhất là du lịch; sản xuất nông nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có bước tăng trưởng. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhân dân đồng tình hưởng ứng, diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên...
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, hoạt động đối ngoại có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu. Thành phố tổ chức thành công Tuần lễ an ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Diễn đàn APEC Việt Nam 2017 được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Trong những thành tựu nổi bật, đồng chí tâm đắc nhất lĩnh vực gì? Thành phố sẽ phát huy các mặt này như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, tôi tâm đắc nhất là lĩnh vực xây dựng Đảng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, then chốt, vừa có tính chất thường xuyên, vừa cơ bản, lâu dài. Năm 2017, thành phố tập trung thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của thành phố được chú trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng...
Với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ thị... để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Qua đó thống nhất ý chí và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng. Trong đó, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như:
Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kiên quyết tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các kế hoạch, chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy về việc xác định chủ đề và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị này theo từng năm.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; giáo dục cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác nói và làm theo nghị quyết; gương mẫu chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình lao động, học tập, công tác, từng cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)...
Ông có kiến nghị để Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương trong thời gian tới?
-Nghị quyết số 45-NQ/TW đã xác định việc phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn cho thành phố. Ngày 28/9/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ) “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó thống nhất ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với thành phố. Song đến nay, việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ vẫn chưa thực hiện, cơ bản vẫn hưởng các chính sách giống các tỉnh khác. Thời gian tới, thành phố tập trung phát huy tất cả các nguồn lực tiếp tục đầu tư, triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết, có tính kết nối vùng, liên vùng, xây dựng và phát triển nhanh, mạnh hơn và đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông.
Thành phố rất cần nguồn lực đầu tư rất lớn để triển khai thực hiện, nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng. Trong điều kiện khó khăn về nguồn lực của bản thân thành phố, đề nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho TP Cần Thơ, nhằm tạo điều kiện cho TP Cần Thơ hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đã được nêu trong Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, công tác cải cách tư pháp đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phát triển. Vậy định hướng cho cải cách tư pháp thành phố trong năm 2018 là gì, thưa ông?
- Những năm qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp trên địa bàn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, tầm quan trọng của công tác cải cách tư pháp. Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Nhìn chung, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, công tác cải cách tư pháp của thành phố thời gian qua được thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước ta... tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Tình hình đó đòi hỏi công tác cải cách tư pháp của TP Cần Thơ cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
- Các cấp ủy đảng cần bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên đối với công tác tư pháp; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của Thành ủy đã ban hành về tổ chức thực hiện các nội dung chiến lược cải cách tư pháp.
- Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và Cơ quan Thi hành án hình sự, Dân sự gắn với việc cải cách hành chính. Phân định rõ ràng thẩm quyền quản lý hành chính của thủ trưởng cơ quan với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của cán bộ được giao thực hiện các hoạt động tư pháp.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương “ưu tiên trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp” đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW. Các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp...
Thời gian tới, Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác cải cách tư pháp của TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng có nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực cho sự phát triển của thành phố và cả nước.
Xin cảm ơn ông!