3 nhóm đối tượng được hỗ trợ đầu tiên
Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 4 tại UBND TP Cần Thơ, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ thông tin cập nhật của chín quận, huyện đến ngày 24/4, toàn TP có 128.290 đối tượng cần hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến trên 143 tỷ đồng.
UBND TP Cần Thơ tổ chức họp thường kỳ tháng 4 |
Cụ thể, nhóm một, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ một tháng trở lên, hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, theo thống kê có 7.192 người với kinh phí gần 13 tỷ đồng.
Nhóm 2, hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động. Hiện cập nhật được 24 người, tương ứng 24 doanh nghiệp.
Nhóm 3 là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020, hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng, hiện cập nhật được 2.548 hộ với kinh phí chi hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng.
Nhóm 4 là người lao động chấm dứt hợp đồng lao động làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.469 người và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là 27.101 người, hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng, tổng kinh phí hơn 28,5 tỷ đồng.
Nhóm 5 là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng sẽ được chi một lần cho ba tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng. Kinh phí gần 9 tỷ chi cho 5.961 người.
Nhóm 6 là đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, được hỗ trợ 1 lần của 3 tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng. Nhóm này có 36.518 người với kinh phí hơn 54,7 tỷ đồng .
Nhóm 7, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ một lần ba tháng, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng có hơn 47.000 người kinh phí trên 35 tỷ đồng.
Người bán hàng rong, lao động tự do có thể sẽ nhận hỗ trợ muộn hơn. |
Thực hiện Nghị quyết 42, sau khi tổ chức rà soát, tổng hợp thì từ ngày 27/4, các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ như Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn, Vĩnh Thạnh đã bắt đầu thực hiện chi hỗ trợ cho một số người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.
Theo đó, 3 nhóm đối tượng 5,6,7 được nhận tiền hỗ trợ trước, vì đây là những đối tượng đã có danh sách ổn định sẵn nên khâu rà soát, đối chiếu nhanh chóng hơn các nhóm còn lại.
Điển hình, theo cập nhật của Cty Xổ số Cần Thơ từ các đại lý vé số là 4.800 người bán vé số. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ các quận, huyện báo cáo về thì số người bán vé số lẻ trên địa bàn TP là khoảng 5.500 người, chênh lệch hơn 800 người so với Công ty.
Số người bán vé số dạo của Cần Thơ chưa được xác định cụ thể. |
Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng cho biết thêm, do thời gian ban hành các văn bản chưa đảm bảo tính kịp thời về việc hỗ trợ gói an sinh xã hội, gây áp lực không nhỏ cho chính quyền địa phương khi người dân, doanh nghiệp thường xuyên liên hệ để được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục nhận chế độ hỗ trợ.
Cạnh đó, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 bao gồm nhiều đối tượng với nhiều mức hỗ trợ khác nhau, phương thức chi cũng khác nên cũng là vấn đề khó khăn cho việc lập danh sách và dự trù kinh phí của các cơ quan chuyên môn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, dự kiến tổng kinh phí Quận cần phải chi là gần 32 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 30% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và địa phương chủ động sử dụng 50% dự phòng ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ theo quy định.
Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng 2 chính sách thì chỉ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. |
Để việc chi tiền hỗ trợ khách quan, công bằng, tránh trục lợi chính sách thì việc xác định đúng đối tượng là khâu rất quan trọng. Theo thống kê, trên địa bàn quận có hơn 1.500 doanh nghiệp cá thể vừa và nhỏ bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đối tượng hộ nghèo, người có công cũng có danh sách cụ thể nhưng những người bán hàng rong, lao động tự do lại gây khó cho công tác xác minh nên những người này có thể nhận tiền hỗ trợ chậm trễ hơn.
UBND quận sẽ giao khu vực, tổ dân phố rà soát, khảo sát từng nhà để xác minh đúng đối tượng. Các địa phương sẽ thông báo, tuyên truyền trên các trang phương tiện thông tin đại chúng, thông báo trên loa phường để người dân biết và khai báo. Khi đã có danh sách chính thức sẽ công khai niêm yết ở khu vực, phường thời gian ít nhất là 5 ngày. Đồng thời, để việc chi trả kịp thời nhưng đảm bảo an toàn, quận cũng lên phương án ký kết với bưu điện, bưu điện sẽ cấp phát đến từng nhà, từng đối tượng.
Phường phát loa thông báo về việc thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 42 cho người dân. |
"Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các phường sẽ thành lập tổ thanh tra, giám sát việc chi trả này và quận cũng thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách, quán triệt đây là chính sách an sinh xã hội của trung ương nếu ai sai phạm sẽ xử lý ở mức cao nhất, có sự răn đe chấn chỉnh ngay từ đầu” - ông Ánh nói.