Cần Thơ: Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

(PLO) - Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ tập trung rà soát và lập đoàn kiểm tra về chấp hành Luật Giao thông đường thủy tại các bến hành khách, bến khách ngang sông, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm trên địa bàn thành phố. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Tập trung kiểm tra các tiêu chí, điều kiện đảm bảo an toàn

Cần Thơ là thành phố trung tâm của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy. Từ đó mạng lưới tuyến đường thủy nội địa ở Cần Thơ khá phát triển, mật độ các phương tiện thủy lưu thông rất đông đúc, mang tính chất liên tỉnh và quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên sông với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, với hàng trăm tàu đò phục vụ du khách. Vì tính chất phát triển mạnh mẽ và dày đặc của các hệ thống tàu thuyền trên địa bàn TP Cần Thơ nên trật tự ATGT đường thủy cũng cần phải nghiêm túc thực hiện, đảm bảo an toàn.

Trên tinh thần đó, Ban ATGT TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tổ chức đoàn kiểm tra về chấp hành Luật Giao thông đường thủy tại các bến hành khách, bến khách ngang sông, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm trên địa bàn thành phố năm 2017.

Theo kế hoạch, trong tháng 5/2017 đoàn sẽ tiến hành kiểm tra phương tiện, thực trạng và điều kiện hoạt động của tất cả các bến khách dọc tuyến, bến khách ngang sông, bến khách du lịch, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm với nhiều điều kiện và tiêu chí đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi hoạt động, lưu thông. Đối với bến hành khách, bến khách ngang sông, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu thủy lưu trú du lịch ngủ yêu cầu phải có giấy phép hoạt động, bảng nội quy, nhà chờ, bảng niêm yết giá vé, đường dẫn cho người và phương tiện lên xuống, trang thiết bị phòng chống cháy nổ và các điều kiện hoạt động khác của bến theo quy định của pháp luật.

Còn về phương tiện, cần phải đảm bảo vấn đề đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị an toàn, áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, tín hiệu của phương tiện, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện… Đặc biệt, để đảm bảo an toàn lưu thông trên sông, người điều khiển phương tiện và thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn và thực hiện trách nhiệm của thuyền viên khi làm việc trên phương tiện.

Kiên quyết xử lý nghiêm và ký cam kết không tái phạm

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật. Kiên quyết lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với những bến không có giấy phép mở bến; không đăng ký, đăng kiểm; không đủ điều kiện an toàn, người điều khiển không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp; phương tiện chở quá tải, quá số người quy định…

Sau khi lập biên bản, yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện khắc phục vi phạm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật mới được cho bến, phương tiện tiếp tục hoạt động; bàn giao cho chính quyền địa phương giám sát và chịu trách nhiệm nếu để bến, phương tiện chưa khắc phục được vi phạm mà hoạt động trở lại. Đồng thời chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, UBND các cấp, các ngành cũng cần khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các bến hành khách, bến khách ngang sông, nhà hàng nổi, khách sạn nổi và tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm.

Thông qua đợt kiểm tra lần này, nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa của các đối tượng tham gia giao thông thủy, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy, đặc biệt đối với các bến khách ngang sông được công nhận “Bến đò an toàn”… Từ đó, kiến nghị UBND các cấp, các ngành khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý. Đồng thời chấn chỉnh, đảm bảo tốt tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. 

Đọc thêm