Giả làm khách câu chơi khăm...đối thủ
|
Một "cần thủ" chuyên nghiệp đang chế biến những viên tròn làm mồi câu cá. Ảnh: Công Hà |
“Với diện tích mặt hồ rộng, thoáng mát, mỗi tuần nguồn cá mới mà tôi thả xuống hồ là 600kg chia làm hai lần. Mỗi ngày, tôi luôn theo dõi, kiểm soát cách thức ăn nhanh - chậm của cá.
Phải canh làm sao cho lượng cá lên (khách câu được cá – PV) vừa đủ và đều mỗi ngày nhằm “nhử” được cảm giác đam mê thích thú, sau đó thành cơn “ghiền” mỗi khi khách đến câu cá tại hồ của tôi.
Với “chiến thuật” ấy, số lượng khách tìm đến hồ chúng tôi để câu cá, ăn uống, giải trí đông vui từ sáng sớm cho đến xế chiều và ngày càng đông hơn", ông V. kể lại.
Cũng theo ông V., thời gian gần đây, suốt cả tuần, bỗng dưng chẳng thấy con cá nào chịu cắn câu ăn mồi.
“Khách đến câu dần dần nản lòng, lần lượt rời bỏ hồ cá chúng tôi, chọn sang câu nơi hồ cá khác.
Đặt nghi vấn, tôi cho nhân viên đi khắp xung quanh bờ hồ kiểm tra, mới phát hiện, có hàng chục vỏ hộp đựng dầu cù là (loại dầu sáp) được móc lấy hết phần ruột. Phần vỏ thì bỏ lại trong một túi nilon đen nằm ngay vị trí nơi những người khách lạ đã ngồi câu trước đó.
Ngoài ra, bên trong những viên thức ăn tự chế biến làm mồi còn xót lại trên mặt đất, toàn chất dầu cù là loại sáp và được gắn sẵn vào các lưỡi câu chùm nho (chùm lưỡi gồm 5 móc câu kết lại như chùm nho – PV). Chùm mồi này được gắn vào dây cước cần câu, sau khi tung mồi câu cá, thức ăn sẽ bay ra xa đến giữa hồ.
|
Nhóm cần thủ chuyên nghiệp phải dùng vợt hỗ trợ khi câu được cá lớn. Ãnh: Công Hà |
Khi lượng dầu cù là này bị “khách câu” cho xuống hồ, nhìn trên bề mặt hồ thấy nước vẫn sạch, không bị đục, cũng không bốc mùi hôi thối, nhưng phía bên dưới mặt nước, với mùi hương nồng cay của dầu cù là thì sẽ làm át mất đi mùi vị thức ăn thơm ngon của miếng mồi đã thả câu.
Khi cá không còn phân biệt hay nhận định ra được mùi vị đâu là thức ăn, kèm theo là độ nồng cay của dầu cù là tỏa ra quanh vùng nước làm cá bị mệt và càng làm biếng ăn", ông V. chia sẻ.
Ông V. sau đó phải nhờ đến bộ phận nhân viên kỹ thuật chuyên xử lý nước hồ cá giúp đỡ.
Sau khi nguồn nước trở lại bình thường, muốn kéo lại lượng khách câu cá quay trở về, ông V. đã đầu tư đổ tiếp 600kg nguồn cá mới vào hồ. Dùng “kỹ thuật” riêng tạo kích thích nguồn cá lên ăn nhiều để thu hút lượng khách.
Cũng vào lúc này, khi biết có nguồn cá hồ ông V. mới cho “xuống”, những “cần thủ” chuyên nghiệp đã nắm rõ thông tin, truyền tai nhau, hẹn gặp tại hồ ông V. giống như những người khách vãng lai từng đến câu cá...
“Cần thủ” tiết lộ “bài” đối phó “chiêu” của chủ hồ
Vẫn giữ vai là người đam mê câu cá, đang muốn theo chân các “cao thủ” đã làm quen trước đó để được học hỏi kinh nghiệm...
Chúng tôi nhận được điện thoại thông báo: “Chú em chuẩn bị 7h sáng mai là có mặt cùng nhóm để đi câu tiếp ở hồ khác nhé. Cá mới “xuống” đêm qua...! Hồ này là chuyên về cá tra, có nhiều con lớn đến 13kg, cứ việc đi xem tụi tôi “gom” hàng chục kg cá về...”.
|
Chỉ một giờ đồng hồ các “cần thủ” câu được hàng chục kg cá lớn. Ảnh: Công Hà |
Như đã hẹn, chúng tôi có mặt. Điểm đến là một hồ cá khá rộng lớn. Tuy nằm thuộc vùng ven TP.HCM nhưng có nhiều tầng lớp khách câu tìm đến: Gia đình, vãng lai, người lớn có, trẻ nhỏ có và cũng không thể thiếu kể các cần thủ là dân câu chuyên nghiệp.
“Anh em trong giới (dân câu chuyên nghiệp – PV) ai cũng biết hồ này có trên chục con cá khủng loại từ 10 – 13kg. Bên hồ ông T. đặt trước nhóm tôi, câu được những con cá lớn đó, mang sang bán cho ông sẽ mua giá cao, vì cá lớn trên 10kg các hồ đặt mua tại “hầm” rất khó”, cần thủ Kh. bật mí.
Còn cần thủ B. bộc bạch: “Nhóm anh em chúng tôi đã bỏ thời gian lẫn tiền bạc (mua suất giờ) để đi câu là phải có lợi nhiều mới làm: Vừa là thú vui, vừa đam mê nhưng cũng có kèm theo cả kinh doanh nữa. Cá câu lên còn khỏe thì bán lại cho các chủ hồ, vẫn có lời, lại còn dư cả cá để mang về.
Nhóm có nhiều anh em nên đi câu khắp nơi, thường giao lưu thân với mấy nhân viên đang làm việc trong hồ cá. Đêm nào chủ hồ cho nguồn cá mới “xuống” thì họ bí mật phone cho chúng tôi biết. Tôi liền thông báo lại nhóm và sáng hôm sau tập trung đến câu”, cần thủ B. tiết lộ.
Riêng cần thủ N. lại rất chuyên nghiệp rồi truyền chúng tôi kinh nghiệm: “Mỗi khi đến câu hồ nào, tôi phải tìm hiểu xem hồ đó chuyên thả loại cá gì để chuẩn bị thức ăn đem theo làm mồi. Mỗi loại cá có sở thích ăn mồi khác nhau. Nếu người không kinh nghiệm, bỏ tiền ra làm mồi vừa tốn nhiều tiền mà lại không hiệu quả.
Ngoài ra, cần tìm hiểu cá đó thường thích ăn thức ăn gì? Điều quan trọng nhất vẫn là từ người chủ “hầm” gốc (người cung cấp bán nguồn cá lại cho các hồ - PV) đã tập cho cá quen ăn thức ăn gì từ nhỏ. Tôi đi câu hơn chục năm nay, nên các hồ cá thường lấy nguồn cá từ hầm nào tôi dễ dàng nhìn ra.
Có nhiều “hầm” giao nguồn cá, mỗi “hầm” có một cách nuôi riêng. Khi con cá được câu lên, nhìn vóc sắc (màu sáng, sậm, thon, dài, hay bụng cá có nhiều mỡ...) và nhìn đầu con cá là tôi đoán ra nguồn cá từ chủ “hầm” nào...
Sau đó, tìm hiểu từ phía chủ “hầm” nuôi gốc thường cho ăn bằng những thức ăn gì. Cứ thế mà tổng hợp để pha chế làm mồi câu. Nhưng thức ăn chọn đúng thực phẩm cá quen ăn từ nhỏ thì sẽ kích thích cá nhanh ăn mồi hơn".
|
Chủ kinh doanh hồ cá cho rằng bị “bão cá” khi các “cần thủ” đến câu rất nhiều cá. Ảnh: Công Hà |
N. cho biết, gương mặt của họ đến một số hồ câu cá giải trí, nếu chủ kinh doanh hồ cá từng biết qua, họ sẽ cấm không cho câu vì hôm nào nhóm đến câu, xem như ngày hôm đó hồ họ bị “bão cá” rồi cho rằng, thức ăn có pha chất kích thích.
Cho dù chủ kinh doanh hồ cá không cho chúng tôi đến câu, hoặc dùng “chiêu” gì đi nữa, thì nhóm tôi vẫn có “bài” tung ra để đối phó lại các “chiêu” kinh doanh của họ.
"Dù tôi không cầm cần câu vào hồ nhưng vẫn có người khác thế vào ngồi câu. Mọi thức ăn làm mồi cho cá, tôi đều chế biến từ thực phẩm trong sạch và lành mạnh, không pha chế chất kích thích gây ảnh hưởng đến cá”, N. chia sẻ.
Và ngày hôm đó, tại hồ câu giải trí này, ông chủ hồ cho chúng tôi biết: “Hôm nay lại là một ngày bị “bão cá” nữa...!”.