Cần thúc đẩy ký kết hiệp định về dẫn độ với các nước

(PLO) - Cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện việc dẫn độ với nước ngoài được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP) năm 2007 cũng như các Hiệp định TTTP về Hình sự giữa Việt Nam và các nước. Đặc biệt, ngày 29/12/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC).
Công ước bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 8/7/2012 và Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu nội luật hóa các quy định của Công ước.
Nhiều quy định về dẫn độ
Theo quy định tại Điều 33 Luật TTTP của Việt Nam, người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất 6 tháng.
Tuy nhiên, hành vi phạm tội này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu. Trường hợp hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.
Việc dẫn độ bị từ chối hoặc có thể bị từ chối trong những trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 35 Luật TTTP, bao gồm các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ (người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác. Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ.
Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị; trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng quy định của Luật TTTP) và các trường hợp có thể từ chối dẫn độ (theo pháp luật hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thì hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ thực hiện không phải là tội phạm; người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ).
Ngoài ra, Luật TTTP cũng quy định một số vấn đề khác như việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho nước thứ ba; xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người; hồ sơ yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo; quyết định dẫn độ; các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; thi hành quyết định dẫn độ; áp giải người dẫn độ; hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời; dẫn độ lại; quá cảnh và vấn đề về chi phí dẫn độ.
Hầu hết các Hiệp định quốc tế hiện hành về TTTP giữa Việt Nam với các nước đều có các điều khoản về dẫn độ. Cho đến nay, đã có 12 Hiệp định có các điều khoản về dẫn độ, 4 Hiệp định về dẫn độ với Hàn Quốc, An-giê-ri, Ấn Độ, Australia.
Các điều khoản về dẫn độ trong các Hiệp định này cơ bản là tương tự nhau. Do dẫn độ là biện pháp hết sức hiệu quả trong hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm nên vấn đề này được quy định khá rõ ràng và cụ thể trong các Hiệp định. Các vấn đề có liên quan như phạm vi dẫn độ, các trường hợp từ chối dẫn độ, yêu cầu dẫn độ, dẫn độ tạm thời, chuyển giao người bị dẫn độ hoặc chuyển giao bằng chứng, dẫn độ lại… đều được quy định khá cụ thể.
Thiếu các Hiệp định song phương về dẫn độ
Việc dẫn độ được thực hiện trên cơ sở Luật TTTP và các hiệp định song phương hoặc đa phương. Trong trường hợp không có các Hiệp định, dẫn độ có thể được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Về mặt nguyên tắc, các quy định của pháp luật Việt Nam về dẫn độ là phù hợp với pháp luật quốc tế, nhất là với các điều khoản về dẫn độ của Công ước TOC. Tuy nhiên, liên quan đến cơ sở từ chối dẫn độ, pháp luật Việt Nam quy định một trong những cơ sở từ chối dẫn độ là “người được yêu cầu dẫn độ là công dân nước CHXHCN Việt Nam” và không quy định thêm nghĩa vụ gì.
Còn Công ước TOC (Điều 16 Khoản 10 và 12) quy định trong các trường hợp này, nếu việc dẫn độ được đề nghị để truy cứu trách nhiệm hình sự thì quốc gia thành viên từ chối dẫn độ, theo đề nghị của quốc gia yêu cầu dẫn độ, có nghĩa vụ phải “chuyển ngay vụ việc này cho các cơ quan có thẩm quyền truy tố không chậm trễ.
Cơ quan có thẩm quyền đó sẽ đưa ra quyết định của họ và tiến hành tố tụng theo một trình tự thủ tục giống như đối với những hành vi phạm tội khác có cùng mức độ nghiêm trọng phù hợp với pháp luật trong nước của quốc gia thành viên nói trên. Các quốc gia thành viên hữu quan sẽ hợp tác với nhau trong quá trình tố tụng và về chứng cứ, để đảm bảo tính hiệu quả của việc truy tố”.
Không những thế, như đã đề cập ở trên, cho đến nay Việt Nam mới ký kết được 12 Hiệp định có các quy định về dẫn độ, 4 Hiệp định riêng về dẫn độ và đang hoàn tất các thủ tục để ký kết các Hiệp định dẫn độ song phương với CH Nam Phi, CH Hungary, Indonesia và Campuchia.
Mặc dù khi phê chuẩn Công ước TOC, Việt Nam đã tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ, nhưng sự không đầy đủ các Hiệp định song phương về dẫn độ sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc thực hiện Công ước TOC. Do vậy, việc ký kết các điều ước về dẫn độ với các quốc gia thành viên để thực hiện việc dẫn độ là hết sức cần thiết và trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các Hiệp định về dẫn độ với các nước.

Đọc thêm