Những vấn đề bức xúc nhất được cử tri quan tâm, kỳ vọng ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sắp tới đã được các ĐBQH thẳng thắn nêu ra hôm qua - 28/10 tại buổi góp ý cho dự thảo văn kiện sẽ trình tại ĐH.
Phải trẻ hóa Đảng viên
Vấn đề xây dựng Đảng đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và ĐBQH. Lo ngại trước việc “công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của đất nước còn bất cập, khó khăn. Niềm tin của quần chúng với Đảng trong chừng mực nào đó có giảm sút”, ĐB Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) chỉ ra những hạn chế trong công tác Đảng và khẳng định “muốn mạnh phải trẻ hóa đội ngũ Đảng viên”.
Tán thành quan điểm này, ĐB Trừng cho rằng, “muốn Đảng phát triển, lãnh đạo tốt để người dân nghe theo thì phải trẻ hoá”. Còn Theo ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM), “cái cần nhất là phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của bộ máy nhà nước theo đúng phương châm không bao biện, không làm thay”. ĐB này nhận thấy, hiện nhiều người trẻ có mong muốn vào Đảng.
Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp 3 bất cập là nêu gương; giao nhiệm vụ; nguyên tắc tổ chức quản lý của Đảng chưa phù hợp với học tập, nghiên cứu của Đảng viên trẻ trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển đội ngũ Đảng viên trê cần quan tâm đầu tư tốt hơn cho đoàn thanh niên; tiếp tục tính toán lại quy định của Đảng về quản lý Đảng viên đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp ra trường và công tác rèn luyện của Đảng viên.
Vui mừng vì Báo cáo chính trị đã nêu bật những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, nhưng ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lắc) cho rằng, phải tập trung để làm rõ hơn nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại này. Trong đó, phải đề cao nguyên tắc dân chủ trong Đảng, mà trước hết là những Đảng viên. “Đa số các Đảng viên của ta đều tốt nhưng bên cạnh đó còn có một số tham nhũng, lãng phí, làm giảm uy tín, gây mất niềm tin của dân với Đảng và phải xử lý nghiêm để làm gương” - ĐB Dũng nêu ý kiến.
“Dính” đến tham nhũng phải bị loại
Phấn khởi và cơ bản đồng tình với những đánh giá của Văn kiện trên mọi phương diện, nhất là báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết X, song ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) cho rằng, 4 nguy cơ mà báo cáo chỉ ra thì “Đại hội nào cũng nói”. Theo ông Kính, vấn đề quan trọng là nguyên nhân ở đâu, tại sao và giải pháp khắc phục như thế nào.
ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) thấy rằng, cái đáng lo là ở Việt Nam, tình hình tham nhũng là “hiện thực phê phán” nhưng không có giải pháp nào xử lý, giải quyết. “Một khi không xử được tham nhũng thì không thể phát triển được cạnh tranh, không canh tranh thì không phát triển được”.
Thẳng thắn với tình hình tham nhũng, ĐB Kính cho rằng, chưa bao giờ vấn đề này được cử tri quan tâm như hiện nay. Ta đã có những cơ chế thiết thực cho chống tham nhũng nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn “cấp nào cũng có”. “Nếu phát hiện phải xử lý không trừ một ai, từ trên xuống”, ĐB Kính đề nghị và nhấn mạnh “Phải đề cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng”.
Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) cho rằng: trách nhiệm to lớn của ĐH Đảng lần này là phải trình ra danh sách những cán bộ thực sự có đức, có tài. Văn kiện phải nghiêm khắc nhìn nhận, kiểm điểm những yếu kém, sai phạm của Đảng viên. “Đảng viên nào “dính” đến tham nhũng, phải kiên quyết đưa ra ngoài” - ông Trịnh khẳng khái.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lo ngại về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) vì với cơ chế thành lập các Ban chỉ đạo PCTN ở địa phương sẽ làm ảnh hưởng đến tính độc lập của cơ quan PCTN. Do đó, cần nghiên cứu lại cơ chế này và NQ ĐH Đảng XI cũng cần quan tâm đến. Nhân câu chuyện về tính độc lập của các cơ quan, ĐB Nga cho rằng, cải cách tư pháp còn chậm, chưa đồng bộ, nhất là ở tổ chức cơ quan điều tra chưa được thu gom đầu mối như mục tiêu đã đề ra.
Phân phối bình quân sẽ nghèo mãi
ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) nhận xét, Cương lĩnh đặt mục tiêu 2020 cơ bản là một nước công nghiệp hiện đại nhưng với kết quả đạt được thời gian qua thì cần phấn đấu nhiều. Quan trọng là thay đổi qui định về phân bổ nguồn lực, cả về tài chính để không bất bình đẳng, chứ nếu cứ “phân phối bình quân thì người nghèo, đối tượng thiệt thòi sẽ nghèo mãi”.
ĐB Phùng Thanh Kiểm (Trưởng đoàn ĐBQH Lạng Sơn) cũng đồng tình: “Kiểu đầu tư theo đầu người hiện không thể phát huy tác dụng nên phải có kế hoạch đầu tư bài bản, căn cơ”. Góp ý vào Báo cáo chính trị, ông Kiểm cho rằng, báo cáo chưa quan tâm đầy đủ để tất cả phát triển đồng đều, còn “nặng” về quan tâm đến vấn đề kinh tế mà “quên” các vấn đề xã hội, quan tâm chưa tương xứng. Nếu xã hội không ổn định thì khó đầu tư, phát triển vì sẽ chỉ như “xây nhà trên cát”, nhiều bức xúc tích tụ không được giải quyết sẽ thành các vấn nạn xã hội. Xã hội “yên mà không ổn” thì không thể phát triển kinh tế.
Việt Nam đang rất nguy hiểm vì nếu những năm 60 ta đưa dân đi khai hoang, phát triển kinh tế mới, thì giờ ngược lại, tất cả nguồn lực và cả con người đều tập trung về các đô thị, nhất là những thành phố lớn, trong khi những khu vực cần đầu tư như vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo thì chỉ đầu tư được “có vài con đường” và để lực lượng Biên phòng canh gác. Từ nhận định đó, ĐB Dương Anh Điền (Hải Phòng) đề nghị “cần có chiến lược phát triển hài hòa các vùng, tính toán lại, hạn chế tập trung quá đáng vào các đô thị, dẫn đến đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém và các áp lực xã hội”.
Còn theo ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh), văn kiện cần tập trung hơn cho những giải pháp để phát triển kinh tế xã hội cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng “những chính sách tổng hợp để phát triển toàn diện, tập trung hơn nữa đến những vùng miền còn nhiều khó khăn”.
Phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo
Nhiều ĐB đã tập trung phân tích vào vấn đề đổi mới công nghệ, giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực lãnh đạo. Theo đánh giá, các dự thảo văn kiện “mới chỉ loanh quanh đào tạo nghề, chưa quan tâm, chưa rõ nhân lực lãnh đạo”, mà lãnh đạo thì cũng “phải đào tạo chứ không thể có nhân lực “từ trên trời rơi xuống”, không thể để tình trạng lãnh đạo “nghĩ đến đâu làm đến đó” – như kiến nghị của ĐB Kiểm.
Tỏ rõ sự tán đồng cao trong cơ cấu của Ban chấp hành Đảng bộ địa phương khóa mới, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đã tăng lên, nhưng ĐB Long cũng đề nghị các định hướng về đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số phải được định hướng rõ trong các Văn kiện.
Cũng coi con người là yếu tố quan trọng, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, chúng ta đã đạt được những thành tựu trong cải cách hành chính 10 năm qua, tuy nhiên cần phải xác định trọng tâm của cải cách hành chính là nguồn lực con người và phải được thể hiện đầy đủ trong văn kiện. “Cứ đổ lỗi cho cơ chế, nhưng cơ chế là do con người mà ra, cơ chế tốt nhưng cán bộ cửa quyền, hách dịch, tự đẻ ra nhiều loại thủ tục thì cơ chế tốt mấy cũng không thể phục vụ dân tốt”.
ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) nhân thấy, “yếu kém nhất là vấn đề đào tạo con người”. Hiện ta đang thành lập nhều trường, nhưng những lĩnh vực xã hội cần lại không có. Do đó, cần có định hướng “đào tạo phải có cơ cấu, không chỉ đào tạo toàn quản lý rồi để lực lượng lao động trực tiếp thì vẫn không có tay nghề”.
Các ĐBQH cũng đề nghị, trong dự thảo văn kiện phải có chiến lược cho xóa đói giảm nghèo, phát triển, đổi mới khoa học công nghệ, phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường…
Nhóm PV