58/69 dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia
Theo Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (CNTT), hiện nay, Bộ Tư pháp đã kết nối 58/69 dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 24 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc triển khai 04/04 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06: các dịch vụ công về khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp hoàn thành từ năm 2022.
Với 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” đã được triển khai chính thức từ tháng 7/2023. Tính đến ngày 12/6/2024, đã thu nhận 1.089.240 hồ sơ liên thông khai sinh; 240.408 hồ sơ liên thông khai tử. Việc thực hiện liên thông điện tử đã giúp cắt giảm lượng hồ sơ, giấy tờ và thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí đi lại (nhóm khai sinh từ 21 ngày làm việc giảm xuống 04 ngày làm việc; nhóm khai từ từ 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc) được người dân ủng hộ, đồng tình cao. Đồng thời, sử dụng bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt công việc, tác nghiệp của cán bộ cơ sở khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính.
Ông Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin |
Về nhiệm vụ Triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên nền tảng VNeID, các đơn vị chuyên môn của Bộ đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế chuẩn bị các điều kiện cần thiết: điều chỉnh, bổ sung phần mềm, kiểm thử, đánh giá an toàn thông tin và triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID từ ngày 22/4 – 22/6. Tính đến ngày 12/6/2024, kết quả triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên nền tảng VNeID ở 2 địa phương như sau: TP Hà Nội tiếp nhận qua VNeID là 10.415/21.435; tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận qua VNeID là 2.003/2.671.
Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Từ góc độ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy nêu rõ, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực trên vẫn chưa đạt kết quả cao, do đó, trong thời gian tới, cần có sản phẩm, xây dựng lộ trình phát triển cụ thể với những “điểm nhấn”. Cùng với đó, Cục trưởng mong muốn nhận được sự chỉ đạo nhất quán của Ban Chỉ đạo trong đẩy nhanh xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam và từ nguồn các nước khác, đồng thời chỉ đạo việc phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác rà soát văn bản.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy phát biểu tại hội nghị |
Cùng với đó, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà nêu rõ, để việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của bộ, ngành tư pháp đạt kết quả cao, trên cơ sở quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Tư pháp cần quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; bên cạnh đó, Cục Công nghệ thông tin cần rà soát, đánh giá những khó khăn vướng mắc của các đơn vị, đồng thời, chủ động đề xuất phương hướng giải quyết các khó khăn trong thời gian tới; tăng cường công tác kiểm tra trong quá trình thực hiện, triển khai các nhiệm vụ của các đơn vị...
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà phát biểu tại hội nghị |
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành trong thời gian tới, các thành viên Ban chỉ đạo đã đề xuất nhiều giải pháp về chú trọng nâng cao nguồn nhân lực liên quan đến CNTT, trong đó chú trọng tổ chức các khoá đào tạo hoặc nội dung phù hợp về chuyển đổi số trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp phù hợp với điều kiện và nhu cầu đào tạo thực tế; đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thực tế; thành lập tổ trợ giúp CNTT...
Đánh giá về hiện trạng về các hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu ngành tư pháp, từ góc độ chuyên gia tư vấn, đại diện Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel nêu rõ, việc triển khai sớm và đưa vào vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin cho phần lớn các nghiệp vụ tư pháp, góp phần nâng cao chuyển đổi số Bộ Tư pháp; nhiều cơ sở dữ liệu nền tảng đã được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật... Tuy nhiên, vẫn chưa hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa đầy đủ, hiệu quả các yêu cầu nghiệp vụ chuyên ngành; về quy hoạch các ứng dụng, các hệ thống/phần mềm được triển khai nhỏ lẻ, rời rạc hoặc phân cấp, không đồng bộ. Về nền tảng công nghệ, đa phần các hệ thống đã được triển khai lâu chưa tương đồng về công nghệ, giải pháp kết nối, chia sẻ và thiếu các nền tảng được quy hoạch để triển khai thống nhất...
Đại diện Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel |
Từ góc độ chuyên gia tư vấn, đại diện Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Xây dựng các thể chế, chính sách số, trong đó, chú trọng xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 3.0, kế hoạch, chiến lược triển khai; xây dựng chiến lược dữ liệu ngành Tư pháp; cập nhật các danh mục dữ liệu ngành Tư pháp; nâng cấp, bổ sung nền tảng kết nối, chia sẻ của Bộ Tư pháp, bổ sung thêm các dịch vụ kết nối, chia sẻ thông tin; mở rộng tích hợp với nhiều nền tảng số của quốc gia; thí điểm trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ nghiệp vụ như trợ lý tra cứu, trích xuất văn bản, tìm kiếm thông tin; nâng cấp hệ thống trung tâm dữ liệu Bộ Tư pháp có năng lực đáp ứng cao và kết nối đồng bộ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nêu rõ, qua đánh giá tình hình thực trạng, Bộ Tư pháp cần nỗ lực và cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về số hóa và ứng dụng CNTT. Một số lĩnh vực như bổ trợ tư pháp, công chứng, đấu giá cần được chú trọng phát triển, tránh tình trạng tụt hậu so với yêu cầu.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của bộ, ngành tư pháp, Cục Công nghệ thông tin có vai trò quan trọng, do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục CNTT cần chủ động tham mưu, đề xuất, làm việc, tư vấn cho các đơn vị về những nội dung liên quan đến chuyển đổi số, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các đơn vị về những mô hình, công nghệ, kiến thức mới; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ đánh giá nguồn nhân lực hiện có để tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn về nhân lực đặt ra hiện nay.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kết luận tại hội nghị |
Đối với lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ, trên cơ sở các nhiệm vụ của đơn vị, chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai các nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên môn được giao quản lý; chủ trì xây dựng phối hợp trực tiếp với Cục CNTT quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng CNTT của đơn vị bảo đảm hiệu quả.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, không triển khai tràn lan các nhiệm vụ vượt quá năng lực của từng đơn vị, cần xác định rõ từng bước đi cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất, tất cả hướng tới mục tiêu chung xây dựng ngành Tư pháp điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, vận hành quản trị nội bộ, đồng thời phục vụ quản lý ngành trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; phục vụ các tổ chức, cá nhân trong các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công.