Cần xây dựng cơ chế quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước

Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Dương. Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chủ trì thảo luận tại tổ.

Các đại biểu quốc hội trao đổi bên lề buổi thảo luận ở tổ

Các đại biểu quốc hội trao đổi bên lề buổi thảo luận ở tổ

Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), báo cáo về KT-XH của Chính phủ nhìn chung phản ánh được tình hình và kết quả KT-XH năm 2010 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2011. Tuy nhiên, bản báo cáo không tạo cho người đọc, người nghe về ấn tượng sự mới mẻ, sâu sắc trong cách đánh giá và phân tích cũng như tìm tòi những giải pháp mới, mạnh mẽ và hiệu quả, nhất là khi chúng ta đã có Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng. Riêng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khá sắc sảo, rõ ràng và có tính thuyết phục hơn, nhất là phần nhận định những hạn chế, bất cập.

Đại biểu đề nghị một số vấn đề cần quan tâm như kinh tế vĩ mô trong báo cáo vẫn chưa thấy lối ra an toàn, nhất là vấn đề nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công; giá cả tăng, đặc biệt giá vàng tăng 37% và so với năm 2008 tăng gần gấp đôi; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc chữa bệnh tăng khá phổ biến và nghiêm trọng; ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải rắn kéo dài và khá nghiêm trọng trong khi các chỉ tiêu môi trường năm 2010 đều không đạt kế hoạch; tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, dẫn đến cúp điện gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; tình trạng dạy thêm, học thêm không hề giảm mà đã mang tính phổ biến; tình trạng tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, sách nhiễu vẫn chưa chuyển biến tích cực…

Liên quan đến báo cáo của Chính phủ về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đã đến làm việc với Vinashin từ năm 2006 đến năm 2009, nhưng tại sao không phát hiện, ngăn chặn được việc sử dụng vốn, đầu tư dàn trải, sai trái của lãnh đạo Tập đoàn này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, đánh giá của Chính phủ về KT-XH chưa thấy đề cập đến vai trò giám sát của Quốc hội. Đại biểu đề nghị đối với công tác dự báo tình hình để đề ra các chỉ tiêu cần cố gắng đánh giá sao cho sát đúng, không nên đưa ra chỉ tiêu thấp xuống để khi triển khai thực hiện đạt cao hơn thì cho rằng đó là thành tích. Ngoài ra, đại biểu đề nghị trong báo cáo giải trình, Chính phủ cần có báo cáo thêm về tổng chi phí của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho Quốc hội biết, để giải thích cho cử tri, tránh gây thắc mắc trong nhân dân.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm (Đà Nẵng) cho rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất sắc sảo. Theo đại biểu, vấn đề lớn hiện nay là chúng ta vẫn đang lúng túng trong công tác quản lý các tập đoàn kinh tế lớn, về vai trò của Chính phủ và Bộ trong quản lý các tập đoàn kinh tế. Tuy là tập đoàn kinh tế của nhà nước nhưng phải do Bộ chủ quản quản lý thì mới phù hợp, trong đó cần quy định rõ quyền hạn của tập đoàn về tài chính, nhân sự, hợp tác quốc tế, quyền tự chủ của tập đoàn đến đâu…Bài học sâu sắc nhất qua vụ Vinashin là cơ chế quản lý nhà nước về tập đoàn kinh tế, trong đó hết sức chú ý đến vai trò người đứng đầu các tập đoàn kinh tế của nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là nói rõ về chi phí cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó cần tách bạch 2 khoản: khoản tiền chi cho xây dựng công trình và khoản chi phí cho tổ chức lễ hội.

Đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) đề nghị cần làm rõ vấn đề nợ công, vai trò điều hành lãi suất thời gian qua của Ngân hàng nhà nước. Đại biểu cho rằng, trong vụ Vinashin cũng có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, đề nghị cần có cơ chế kiểm soát lãi suất, không nên thả nổi như hiện nay.

Về vấn đề thu - chi ngân sách nhà nước năm 2010 và dự kiến phân bổ ngân sách năm 2011, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đề nghị, đã đến lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội ngồi lại một cách nghiêm túc để xem xét các khoản chi ngân sách hiệu quả đến đâu, khoản chi nào không hiệu quả thì phải cương quyết cắt giảm. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu sâu vấn đề phân bổ ngân sách cho các Bộ, ngành. Có thể phải xem lại các khoản chi về đào tạo nghề, xuất khẩu lao động,…

PHẠM HỮU HOA

Đọc thêm