Tại buổi thẩm định, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật.
![]() |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi thẩm định. |
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết quy định thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành; tập trung vào các chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật và một số hoạt động thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể:
Dự thảo Nghị quyết quy định một số giải pháp về cơ chế tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác xây dựng pháp luật như: ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật từ 0,5% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu hoàn thiện thể chế phát triển; xây dựng cơ chế khoán chi trong xây dựng pháp luật, nghiên cứu chiến lược về xây dựng, thi hành pháp luật; thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật …
![]() |
Ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phát biểu tại buổi thẩm định. |
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về chính sách bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật; chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác xây dựng pháp luật.
Góp ý về nội dung “ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật từ 0,5% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm” tại dự thảo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, mức này cần được đặt lên mặt bằng chung và phải cân đối lại để thuyết phục hơn, chỉ nên ghi “ngân sách nhà nước đảm bảo” cho hoạt động này, không nên đưa mức cụ thể như trong dự thảo.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách pháp luật, hiện nay, cơ chế đề xuất đang thiên về hướng quỹ ngoài ngân sách, trong khi thực tế các nguồn quỹ chi cho các hoạt động này đều cơ bản đã được ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc cùng một nhiệm vụ chi nhưng lại sử dụng hai nguồn tài chính khác nhau (ngân sách nhà nước và quỹ ngoài ngân sách nhà nước). Cần cân nhắc kỹ khoản 2 Điều 6, trong bối cảnh hiện nay, không nên đặt ra một quỹ riêng, nếu thiếu nguồn lực, ngân sách nhà nước vẫn có thể bảo đảm.
![]() |
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại buổi thẩm định. |
Bày tỏ sự đồng tình cao về nội dung dự thảo, đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần có cơ chế giữ chân cán bộ, có chính sách đãi ngộ phù hợp, có thể áp dụng theo Nghị định 179, sử dụng nguồn kinh phí 0,5% theo quy định, tránh chi từ nguồn chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, nên xem xét cơ chế bổ sung thêm thu nhập cho những người trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật, đồng thời, cần có quy định mở, mang tính bao quát hơn để đảm bảo công bằng giữa các đơn vị, cá nhân cùng làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật, kể cả khi không nằm trong vị trí việc làm pháp chế.
Về cơ chế thu hút và đãi ngộ nhân tài, Nghị định 179 đang mở ra cơ chế đột phá trong việc thu hút và giữ chân người có tài năng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Đại diện Bộ Công thương đề xuất cần lập và công bố danh sách những cá nhân đủ tiêu chuẩn, được hưởng chính sách đãi ngộ đặc thù, tạo động lực làm việc lâu dài trong khu vực công.
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị cao. Công tác này trong bối cảnh hiện nay càng trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực. Để đáp ứng yêu cầu cải cách và phát triển, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật.
![]() |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi thẩm định. |
Nhất trí với các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo, Thứ trưởng cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó, vấn đề tài chính là một trong những vấn đề then chốt cần được quan tâm.
Thứ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sửa Luật Ngân sách nhà nước, thêm mục chi về hoạt động xây dựng pháp luật trong chi thường xuyên.
Về khoản 2 Điều 5 quy định về việc thuê chuyên gia nước ngoài còn nhiều tranh cãi, Thứ trưởng khẳng định không để yếu tố nước ngoài can thiệp vào quá trình xây dựng thể chế. Việc thuê chuyên gia nước ngoài chỉ nên dừng ở mức độ cung cấp kinh nghiệm.
Nhấn mạnh việc thành lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách, pháp luật là cần thiết, tuy nhiên Thứ trưởng đề nghị cần xem xét, cân nhắc thêm về việc tổ chức, cá nhân có khoản đóng góp vào quỹ được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản rà soát lại, đảm bảo quy định chặt chẽ đối với quỹ này.