Trong mấy năm vừa qua, “lâm tặc” không chỉ hoành hành với nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt mà khi bị phát hiện, xử lý, chúng còn ra tay tấn công lực lượng kiểm lâm. Hành vi ngang ngược của bọn chúng gây ra bao nỗi nhức nhối cho xã hội.
Ngang ngược phá rừng, hại người
Theo thống kê của ngành kiểm lâm năm 2009 có gần năm mươi vụ “lâm tặc” tấn công cán bộ kiểm lâm gây hậu quả nghiêm trọng. Năm 2010 con số này còn tăng hơn và đến năm 2011, nhiều vụ “lâm tặc” ngang nhiên tấn công kiểm lâm có tổ chức và giải cứu đồng bọn.
Rừng tan nát vì lâm tặc |
Mới đây, trưa 10/4/2011 tại Nghệ An, một vụ “lâm tặc” tấn công cán bộ kiểm lâm xảy ra khiến dư luận bất bình. Cán bộ Tổng đội TNXP 2 Xây dựng kinh tế Nghệ An (đóng tại huyện Thanh Chương) phát hiện khoảng 20 “lâm tặc” đang vận chuyển hơn 40 khúc gỗ lậu từ rừng Thanh Chương ra sông liền báo Hạt kiểm lâm Thanh Chương. Lực lượng kiểm lâm huyện Thanh Chương và lực lượng kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm Nghệ An biết để có phương án xử lý.
Bọn “lâm tặc” bị bao vây, bắt giữ. Khi đang trên đường áp tải “lâm tặc” về trụ sở để giải quyết, cán bộ kiểm lâm bất ngờ bị hơn 100 đối tượng gồm nhiều thành phần cầm dao, kiếm với sát khí đằng đằng xông đến tấn công. Trong trận xung đột không cân sức đó, bọn chúng đã giải thoát được hết bọn “lâm tặc” bị bắt, tẩu tán hết gỗ lậu, tìm đường đi tiêu thụ. “Lâm tặc” còn chích thủng vỏ lốp và đập vỡ kính xe đầu kéo của Hạt kiểm lâm Thanh Chương và dùng nhiều hành động đe dọa cán bộ.
Chiều tối cùng ngày, lực lượng kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An và Công an huyện Thanh Chương phối hợp, tăng cường lực lượng để trấn áp. Sau mấy tiếng đồng hồ mới dẹp được gần 100 “lâm tặc” hung hăng và tìm cách tịch thu lại số gỗ lậu. Đêm đó, bọn “lâm tặc” cay cú, đe dọa cán bộ và đập phá, đốt trại gác rừng phòng hộ của Tổng đội TNXP 2 Xây dựng kinh tế Nghệ An. Ngay lập tức, Công an huyện Thanh Chương đang truy bắt những kẻ cầm đầu nhóm lâm tặc hung hãn trên để điều tra, xử lý.
Tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực Suối Bạc (thuộc thị trấn Đạm B’ri) - huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đang hết sức phức tạp. Bọn “lâm tặc” thường huy động đồng bọn để chống lại cán bộ kiểm lâm. Vào trưa 4/1/2011, trong khi tuần tra tại khu vực Suối Bạc, Tổ kiểm lâm cơ động của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai đã phát hiện một số kẻ đang dùng cưa máy để khai thác gỗ. Tổ kiểm lâm đã vây bắt được 1 tên và thu giữ 1 cưa máy.
Nghe có tiếng cưa máy phá rừng cách đó khoảng không xa, tổ kiểm lâm chia làm 2 nhóm, một nhóm áp tải đối tượng và phương tiện vừa bắt về trụ sở, một nhóm tiến đến khu vực có tiếng cưa. Tại đây, tổ kiểm lâm (gồm 3 người) phát hiện 3 tên đang cưa gỗ trái phép và yêu cầu 3 tên này về trụ sở cơ quan để làm việc. Chúng không những không hợp tác mà 3 tên còn chửi bới và dùng dao, cưa xông vào tấn công cán bộ bảo vệ rừng. Trong lúc xô xát, giằng co, súng đạn cao su của anh Võ Trường Chinh (Tổ trưởng) bị cướp cò khiến một “lâm tặc” bị thương ở chân.
Lúc đó, bọn lâm tặc mới tìm cách trốn khỏi hiện trường. Tưởng bọn chúng chạy trốn, ai ngờ chúng đi tìm đồng bọn, khoảng một giờ đồng hồ sau, bọn “lâm tặc” đã kéo hàng chục “lâm tặc” khác tập trung tại khu vực dọc quốc lộ 20, vây cán bộ và dọa sẽ giết chết, khiến các cán bộ bảo vệ rừng trong nhóm 2 phải chạy vào rừng gọi điện thoại cầu viện.
Đến 19h cùng ngày các anh mới được ứng cứu, về đến cơ quan. Nhóm 1, trong lúc áp giải lâm tặc và phương tiện về chốt bảo vệ rừng, cũng bị hàng chục “lâm tặc” dùng gậy và đá tấn công khiến một cán bộ bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu. Hai cán bộ còn lại phải lùi vào rừng chờ đám đông rút đi mới về được cơ quan. Đối tượng bị bắt cũng được đồng bọn giải thoát. Vậy là bọn “lâm tặc” đang bành trướng một cách trắng trợn, không coi cán bộ kiểm lâm ra gì, ngang nhiên lấy máu rừng và sẵn sàng lấy máu kiểm lâm để tìm đường sống sót.
Ở Quảng Nam, nạn khai thác vàng sa khoáng đang ở mức báo động. Không chỉ vậy, tình trạng “lâm tặc” tấn công lực lượng kiểm lâm cũng trở nên nhức nhối. Vào khoảng 19h ngày 5/1/2011, Đội Kiểm lâm cơ động số 2 (đóng tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) nhận được tin báo có ô tô khách loại mang biển kiểm soát 92K-3347 lưu thông trên QL14B hướng Nam Giang về Đại Lộc. Ngay lập tức, anh Đinh Văn Hồng - Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động số 2 cùng 4 Kiểm lâm viên gồm: Nguyễn Văn Sơn, Lê Huy Vũ, Huỳnh Đình Hưng và Bùi Trọng Thanh lên xe ô tô đi kiểm tra.
Đến đoạn Xã Tỵ (huyện Nam Giang) lực lượng Kiểm lâm phát hiện ô tô của “lâm tặc” đang chạy hướng ngược lại nên ra hiệu dừng xe nhưng lái xe không chấp hành nên lực lượng kiểm lâm quay đầu đuổi theo. Sau nhiều lần ra hiệu dừng xe, lái xe vẫn không dừng. Đến đoạn D7 xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc), ô tô của lực lượng Kiểm lâm vượt qua chặn đầu xe 92K-3347. Khi lực lượng Kiểm lâm vừa xuống xe yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì bất ngờ một nhóm từ 6 đến 7 đối tượng trên xe nhảy xuống dùng gậy và đá tấn công khiến 4 kiểm lâm viên bị trọng thương rồi lên xe bỏ trốn.
Anh Hồng gọi điện thoại cho Hạt Kiểm lâm Nam Giang, Hạt Kiểm lâm Đại Lộc và trạm liên ngành đóng tại Đại Hồng đến ứng cứu. Khi lực lượng Kiểm lâm đến nơi thì đối tượng đã bỏ chạy, hiện trường chỉ còn 4 Kiểm lâm viên bị thương. Ngay lập tức, các anh được đưa đi cấp cứu. Sáng hôm sau, Công an huyện Đại Lộc phối hợp với Công an huyện Nam Giang tiến hành xác minh ô tô khách 92K-3347. Công an huyện Đại Lộc tiến hành tạm giữ lái xe cùng hai đối tượng tình nghi tham gia vụ tấn công kiểm lâm để điều tra làm rõ.
Bài toán khó
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phá rừng tràn lan hiện nay, theo nhiều cán bộ kiểm lâm là do áp lực về dân số, đòi hỏi cao về đất ở và đất canh tác, giá cả một số mặt hàng nông, lâm sản tăng cao, nên một số người phá rừng lấy đất canh tác, lấy gỗ hoặc làm thuê cho bọn đầu nậu khai thác gỗ trái phép. Thêm nữa, chính quyền địa phương nơi có điểm nóng chưa kiên quyết chỉ đạo, chính quyền cơ sở thiếu năng lực về cán bộ, kinh phí, cơ chế. Việc xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc điều tra, xử lý vi phạm, chưa đánh trúng kẻ cầm đầu.
Lực lượng kiểm lâm mỏng, trang thiết bị, phương tiện mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa tương xứng với nhiệm vụ thậm chí là “lỗi thời” so với “lâm tặc”. Đó là chưa kể một số cán bộ dao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị kẻ xấu mua chuộc.
Ngược lại, bọn “lâm tặc” được trang bị máy móc khai thác hiện đại, có nhiều vũ khí nguy hiểm như súng, dao, kiếm… Chúng thường hung hãn, mang theo nhiều đồng bọn để áp đảo, uy hiếp lực lượng kiểm lâm. Trước thực trạng đó, lực lượng kiểm lâm luôn ở vào thế yếu và bị tấn công. Để giải quyết tình trạng nhức nhối này là một bài toán khó với các cấp, các ngành.
Cần xử nghiêm
Biết bao cây gỗ quý đã bị “lâm tặc” đốn hạ, bao nhiêu cánh rừng xanh bị cày nát. Không ít cán bộ ngành kiểm lâm, những người trực tiếp bảo vệ rừng bị tấn công, đánh đập, bị thương nặng, thậm chí thiệt mạng. Hành vi của chúng không chỉ gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương phép nước, mà còn làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cần kịp thời xử lý nghiêm, xử nặng đối với những kẻ ngang nhiên phá rừng, chống người thi hành công vụ.
A Khoa