Cảng Cái Mép - Thị Vải tăng trưởng ấn tượng

(PLVN) - Nhờ quy hoạch tốt, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước.
Một góc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. (Nguồn ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam)

Nhiều tàu lớn vào “ăn hàng”

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 5 năm qua, mỗi năm, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đón tàu có kích cỡ ngày càng lớn. Tổng số lượt tàu có trọng tải lớn trên 80.000 tấn ra vào cảng biển Cái Mép - Thị Vải từ năm 2017 đến nay có sự gia tăng, từ 1.524 lượt (năm 2017) đã tăng lên 1.644 lượt (năm 2022).

Đáng chú ý, kích cỡ tàu vào Cái Mép cũng tăng nhanh chóng. Thời điểm trước năm 2011, số lượt tàu có kích cỡ dưới 80.000DWT ra vào khu bến Cái Mép chiếm phần lớn. Nhưng giai đoạn qua, nhiều tàu có kích cỡ lớn từ 132.000DWT tới hơn 200.000DWT đã ra vào cảng biển Cái Mép. Hiện nay có tới 40% số tuyến dịch vụ khai thác tàu kích cỡ trên 132.000DWT. Điển hình, hồi tháng 3/2023, tàu OOCL Spain là tàu container lớn nhất cập cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Tàu có tổng trọng tải hơn 230.000DWT với sức chở lên đến 24.188 Teus, được đánh giá là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.

Cũng theo Cục Hàng hải Việt Nam, khu bến Cái Mép có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi châu Mỹ và châu Âu lớn hơn hẳn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập được 25 tuyến vận tải biển đi Mỹ. Trong đó có tới 22 trong số 25 tuyến này xuất phát từ Cái Mép - Thị Vải. Ngoài ra, tại khu vực này cũng có 2 tuyến xuất phát đi châu Âu và 10 tuyến đi Nội Á. Con số này đã tăng khoảng 3 lần so với năm 2018 (năm 2018, có 8 tuyến đi châu Mỹ và châu Âu).

Hiện nay, khu vực Cái Mép - Thị Vải chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước. Chính bởi là khu vực cảng biển quan trọng của cả nước nên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy hoạch bài bản, chi tiết. Nhờ quy hoạch tốt mà hàng hóa đi lại qua cảng ngày càng nhiều hơn.

Cụ thể, khu bến Cái Mép được quy hoạch là cửa ngõ trung chuyển quốc tế; còn khu bến Thị Vải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Ngoài ra, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có các khu bến như Khu bến Sao Mai - Bến Đình phục vụ dịch vụ dầu khí, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu phục vụ du lịch; khu bến Long Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng; khu bến sông Dinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bến cảng Côn Đảo là đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo. Các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ dầu khí ngoài khơi; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. “Nhờ quy hoạch tốt nên đã giúp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tăng sản lượng hàng qua từng năm” - đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Khắc phục một số hạn chế

Trong chuyến công tác thăm khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, quy hoạch hiện nay đã đáp ứng được thực trạng tàu lớn hơn ra vào cụm cảng làm hàng. “Chúng ta có lợi thế về phát triển các cảng biển. Việc làm sao khai thác được tối đa các tiềm năng, lợi thế cảng biển là điều thôi thúc chúng ta luôn phải tư duy, đổi mới” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và lưu ý, khu vực Cái Mép - Thị Vải cần rà soát, bổ sung các bến thủy nội địa, hạn chế đưa hàng lên bờ trước tình hình quá tải đường bộ đang khá gay gắt.

Theo ông Lê Đỗ Mười - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trên tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có khúc cua, cần phải cải tạo để tăng năng lực khai thác tuyến luồng. Trong khi đó, nguồn vốn cho duy tu, nạo vét hạn hẹp, chỗ đổ chất nạo vét, thanh thải gặp nhiều khó khăn.

Nói về điều này, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, có hai phương pháp đổ thanh thải là đổ nhấn chìm ngoài biển và đổ lên bờ tận dụng san lấp. Với phương thức thứ hai, đến nay, đã có đơn vị áp dụng được công nghệ trộn chất phụ gia để làm vật liệu san lấp nhưng giá thành hơi cao. “Bộ đang chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hạ giá thành” - vị Thứ trưởng nói.

Về quy hoạch cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, quy hoạch hiện hữu là kế thừa quy hoạch trước đây. Gần đây, được sự chỉ đạo của Bộ GTVT, đã tận dụng các kết cấu hạ tầng hiện hữu, tàu 205.000 tấn đã ra vào Cái Mép - Thị Vải làm hàng. “Chúng ta đã có tầm nhìn quy hoạch cụm cảng đến 2050. Việc hiện thực hóa các quy hoạch này sẽ tạo điều kiện để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển hơn” - ông Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Đọc thêm