“Căng” hướng dẫn viên

Khách nội địa đến Đà Nẵng nghỉ biển tăng cao trong mùa hè năm nay làm các hãng lữ hành thường xuyên đối diện với tình trạng kẹt hướng dẫn viên (HDV) tiếng Việt, bên cạnh nỗi lo không tìm ra xe, phòng, vé máy bay...

Khách nội địa đến Đà Nẵng nghỉ biển tăng cao trong mùa hè năm nay làm các hãng lữ hành thường xuyên đối diện với tình trạng kẹt hướng dẫn viên (HDV) tiếng Việt, bên cạnh nỗi lo không tìm ra xe, phòng, vé máy bay...

Trưởng phòng, Trợ lý Giám đốc cũng dẫn tour

Là Trưởng phòng Lữ hành Trung tâm Điều hành du lịch miền Trung của Hanoitourist, thỉnh thoảng anh Nguyễn Duy Giang vẫn phải trực tiếp đi hướng dẫn cho các đoàn quan trọng trong tình hình HDV giỏi vào thời điểm đó quá căng. Anh Giang nói, anh và không ít người làm trong Ban điều hành của trung tâm, thậm chí Trợ lý Giám đốc vẫn phải tham gia khoảng 20% số tour hằng tháng. Không chỉ vậy, có khoảng 30% tour của nơi này đang bị “kẹt” lại vì công ty chưa “xoay” ra HDV. Điều này cũng diễn ra tương tự ở nhiều công ty du lịch khác.

Ngoài nguồn HDV là nhân viên sẵn có, trong mùa cao điểm du lịch nội địa, lữ hành đều “thủ” sẵn đội ngũ cộng tác viên là các HDV tự do. Song, theo ông Hồ Văn Mỹ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Mai Linh - Chi nhánh Bắc Trung Bộ, vì lượng HDV tự do luôn nhiều hơn số sẵn có, các công ty lữ hành thường khá khó khăn khi điều phối tour cũng như có những ràng buộc, kỷ luật nếu HDV vi phạm quy định hoặc không chịu đi tour cho công ty. Đã vậy, việc kêu HDV đi suốt tuyến Bắc-Nam lại càng khó hơn, do quá bận “chạy sô”, HDV chỉ chịu đi vòng vòng trong Đà Nẵng hoặc miền Trung.

“Tìm không ra HDV, chúng tôi phải từ chối nhiều tour. Những lúc khác có thể xoay chỗ này chỗ nọ, chứ mùa này mà “liều” nhận tour rồi không có HDV là chết”, anh Giang cho biết.

Bao nhiêu HDV cũng không đủ

Năm nay, theo tính toán của những người làm du lịch, lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh đã bù vào số khách quốc tế sụt giảm. Do đó, rất nhiều HDV tiếng Anh trước kia chỉ chuyên đi tour cho khách nước ngoài cũng đổ dồn qua đi tour tiếng Việt. “Thêm vào đó, hằng năm, các công ty lữ hành đều nhận thêm rất nhiều HDV mới ra nghề vào làm, nhưng vẫn không đủ HDV để sắp xếp thoải mái cho các tour”, ông Phan Bá Thành, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH du lịch Đông Kha chia sẻ.

Vì tố chất cần của một HDV cho khách Việt là phải có kiến thức rộng, phục vụ chuyên nghiệp, vừa phải là người giỏi hoạt náo, tổ chức các trò chơi và làm cho khách cười, nhiều khi, lữ hành phải chấp nhận trả gấp đôi số thù lao bình thường để gọi cho được HDV thích hợp. Còn lại, mức trả cho HDV trong mùa này thường tăng thêm 50-100 nghìn đồng/người/ngày. Trung bình, mỗi ngày, một HDV nhận được khoảng 250-300 nghìn đồng/ngày nếu đi gần và khoảng 350-400 nghìn đồng/ngày nếu đi theo tour xa và dài ngày.

Các hãng lữ hành thường chọn cách lấy thêm HDV không quá bận rộn ở các địa phương lân cận hoặc “làm liều” tuyển luôn sinh viên (SV) thực tập. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà, các hãng lữ hành thường không dám mạo hiểm để SV dẫn tour, mà cho đi kèm với các HDV lão luyện để học hỏi kinh nghiệm và đỡ đần phục vụ khách. “Chúng tôi vẫn phải đào tạo trong thời gian ngắn để SV có được một số kiến thức, kỹ năng cơ bản khi đi tour”, anh Giang cho hay.

Để chắc ăn, các hãng lữ hành phải liên hệ các công ty du lịch mà HDV đã làm trước đó để kiểm tra kinh nghiệm và đạo đức. Chẳng đặng đừng, các hãng lữ hành cũng thấp tha thấp thỏm khi mời các HDV chưa có thẻ, vì nếu phát hiện, thanh tra du lịch có thể xử phạt đến hơn 5 triệu đồng/trường hợp.

Bài và ảnh:

HẰNG VANG

Đọc thêm