Ngoài ra, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, Cảng Quy Nhơn đã thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019, không thực hiện bất kỳ công việc gì cho tiến trình niêm yết chứng khoán, nâng vốn đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1.
Cổ đông tố cáo lãnh đạo có nhiều sai phạm
Từ tháng 6/2019, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tiếp nhận lại 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn từ Cty Khoáng sản Hợp Thành, với số tiền hơn 415 tỷ đồng. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ sau kết luật thanh tra và chỉ ra việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn chưa đúng quy định. Sau chuyển giao này, Cảng Quy Nhơn chính thức về lại Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, một cổ đông của Cảng Quy Nhơn đã gửi đơn tố cáo lãnh đạo cảng này nhiều sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự, ký hợp đồng kinh tế.
Theo đó, ông Phan Tuấn Linh - Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn bị tố cáo lôi kéo vây cánh, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, người nhà vào các vị trí trọng yếu trong Cty. Cụ thể, ông Linh đã bổ nhiệm 3 người, gồm: bà Nguyễn Như Hảo chức Phó trưởng phòng Kế toán - Tài vụ, ông Phạm Văn Khánh (chồng bà Hảo) chức Phó trưởng phòng Kỹ thuật - Công nghệ, ông Vũ Anh Tuấn chức thư ký Tổng giám đốc.
Ông Linh tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Phúc tiếp tục giữ chức Phó Tổng giám đốc thường trực dù ông Phúc đã về hưu từ năm 2018 và đã bị kỷ luật về Đảng.
Theo đơn tố cáo, ông Phúc ký hợp đồng thuê tàu lai dắt giữa Cảng Quy Nhơn với Công ty TNHH TMVT Phúc Trường Linh (gọi tắt là Cty Phúc Trường Linh) có thời hạn tới 10 năm, giá trị hợp đồng 324 tỷ đồng không qua đấu thầu, trái quy định.
Ngoài ra, cả ông Linh và ông Phúc đều bị tố cáo đưa các Cty sân sau ký hợp đồng với Cảng Quy Nhơn, gồm: Cty Phúc Trường Linh, Cty TNHH Nguyên liệu giấy Á Châu (gọi tắt là Cty Á Châu), Cty CP Dịch vụ hậu cần cảng biển Quy Nhơn, Cty TNHH TM&DV Hàng hải Thái Hà.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giao Vinalines xác minh, trả lời. Mới đây, Vinalines đã ban hành kết luận xác minh nội dung tố cáo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn.
Theo đó, việc ông Linh bổ nhiệm các nhân sự nói trên là đúng quy định, phù hợp nhu cầu đơn vị. Những người được bổ nhiệm cũng không phải người nhà của lãnh đạo Cảng Quy Nhơn. Do đó, nội dung tố cáo không có cơ sở.
Ông Phúc bị thi hành kỷ luật khiển trách. |
Ông Phúc nghỉ hưu năm 2018, sau đó được Cảng Quy Nhơn ký hợp đồng làm Phó Tổng giám đốc có thời hạn 3 năm, đến hết năm 2021. Hợp đồng lao động ký với ông Phúc do Ban lãnh đạo của nhà đầu tư cũ thực hiện trước khi cảng chuyển giao lại cho Nhà nước, hợp đồng không trái quy định, vẫn còn hiệu lực. Vinalines tiếp nhận lại nguyên trạng, ông Phúc được ký hợp đồng làm Phó Tổng giám đốc trước khi ông Linh về làm Tổng giám đốc. Do đó, nội dung tố cáo không có cơ sở.
Hợp đồng giữa Cảng Quy Nhơn và Cty Phúc Trường Linh được ký trước khi Cảng Quy Nhơn bàn giao lại cho Nhà nước. Thời điểm ký hợp đồng, Cảng Quy Nhơn không có vốn Nhà nước nên không cần đấu thầu.
Khi tiếp nhận lại Cảng Quy Nhơn, Vinalines cũng phải kế thừa các hợp đồng kinh tế đã ký. Tuy nhiên, tổng giá trị hợp đồng trên là 324 tỷ đồng, vượt quá 35% tổng giá trị tài sản Cảng Quy Nhơn, nhưng chưa thông qua Đại hội cổ đông là trái luật. Do đó, nội dung tố cáo đúng một phần.
Về tố cáo 4 Cty được cho là sân sau của lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, theo kết luận xác minh, chỉ có trường hợp Cty Á Châu do vợ ông Phúc làm đại diện theo pháp luật có hợp đồng kinh tế với Cảng Quy Nhơn từ năm 2003. Tuy nhiên, ông Phúc không công khai các lợi ích liên quan tới Cty Á Châu là chưa đúng quy định. 3 Cty còn lại không liên quan tới các lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, hoặc không có hoạt động kinh tế với Cảng Quy Nhơn.
Do đó, nội dung tố cáo chưa đúng. Tuy nhiên, ông Phúc đã không công khai các lợi ích liên quan tới Cty Á Châu, Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn các thời kỳ cũng có lỗi khi không kịp thời yêu cầu ông Phúc thực hiện việc công khai này.
Từ kết quả xác minh tố cáo trên, lãnh đạo Vinalines yêu cầu người đại diện vốn của mình tại Cảng Quy Nhơn thực hiện các việc sau: phối hợp với Hội đồng quản trị xây dựng quy chế về bổ nhiệm cán bộ; rà soát lại hợp đồng ký với Cty Phúc Trường Linh; kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các nội dung vi phạm trong ký kết các hợp đồng kinh tế. Ban Tổ chức nhân sự Vinalines được giao xem xét lại hợp đồng ký với ông Phúc, báo cáo Hội đồng thành viên Vinalines quyết định.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Vinalines và Cảng Quy Nhơn cho biết, trong quý III/2020 sẽ xử lý xong các nội dung tố cáo được xác định là đúng, hoặc đúng một phần; xử lý dứt điểm những tồn tại về nhân sự, các hợp đồng kinh tế sau khi chuyển giao.
Bác thông tin thổi phồng thành tích kinh doanh
Liên quan đến hàng loạt thông tin tại các văn bản VAFI gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các bộ, ngành liên quan cho rằng Cảng Quy Nhơn đã thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019, không thực hiện bất kỳ công việc gì cho tiến trình niêm yết chứng khoán, nâng vốn đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1, trao đổi với báo chí, ông Linh cho rằng, những thông tin trên là không có cơ sở.
Theo ông Linh, sau khi chính thức tiếp quản quyền quản lý điều hành từ ngày 29/6/2019, Vinalines đã chỉ đạo những người đại diện phần vốn tại Cảng Quy Nhơn phối hợp với Hội đồng quản trị bằng mọi giải pháp quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông năm 2019 thông qua.
Nhờ thực hiện một loạt các giải pháp tổng thể, sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2019 đạt hơn 9,1 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2018. Năm 2019, tổng doanh thu thực hiện đạt hơn 812 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018.
“Các số liệu trên là số liệu theo báo cáo tài chính năm 2019 của Cảng Quy Nhơn đã được Cty kiểm toán độc lập nằm trong danh sách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép đủ điều kiện thực hiện kiểm toán. Như vậy, việc VAFI nêu Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019, báo cáo không trung thực là không có căn cứ, tạo dự luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của Cảng Quy Nhơn”, ông Linh nói.
Một năm sau khi tiếp nhận về lại Nhà nước, Cảng Quy Nhơn dính hàng loạt lùm xùm. |
Cũng theo ông Linh, trước thời điểm bàn giao vốn giữa Vinalines và Cty Khoáng sản Hợp Thành, để không làm phức tạp quá trình thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn, việc niêm yết chứng khoán không thể thực hiện được.
“Trong năm 2019 và đến nay, dù Vinalines đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tại cũng như đề nghị Cty Khoáng sản Hợp Thành đề xuất giá trị lợi ích của nhà dầu tư nhằm kết thúc quá trình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay Cty Khoáng sản Hợp Thành chưa có bất cứ đề nghị nào để đàm phán kết thúc giai đoạn 2 của quá trình chuyển giao”, ông Linh cho biết.
Liên quan đến nhận định, suất đầu tư cải tạo nâng cấp bến 1 Cảng Quy Nhơn cao hơn giá thị trường, ông Linh cho biết, công trình bến cảng biển là công trình có tính chất chuyên ngành, không phải là công trình xây dựng phổ biến, chi phí đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền không xây dựng, ban hành suất vốn đầu tư cho công trình bến cảng biển.
Do đó, phương pháp xác định tổng mức đầu tư phù hợp theo quy định là xác định khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở, kế hoạch thực hiện dự án, tổ chức biện pháp thi công định hướng, các yêu cầu cần thiết khác của dự án và hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, các chế độ, chính sách liên quan.
Ông Linh cho biết thêm, gói thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng cấp bến số 1 được Cảng Quy Nhơn tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhà thầu tư vấn theo đúng quy định. Cty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải và Cảng Quy Nhơn không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau, nên đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu.