Giới chức Nhật Bản hôm qua - 11/7 đã gửi kháng nghị và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối việc các tàu công vụ của Bắc Kinh đến gần khu vực quần đảo đang xảy ra tranh chấp.
Các ngoại trưởng tại AMM 45. |
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin, rạng sáng 11/7, 3 tàu công vụ của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Theo Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản, tàu Ngư chính 204 đã đi vào vùng lãnh hải quanh đảo Kuba, thuộc quần đảo Senkaku lúc 4h30 trước khi các tàu Ngư chính 202 và 35001 tiến vào vùng biển này.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura cho biết các con tàu đã rút khỏi vùng biển nhưng 2 trong số này vẫn tiếp tục lượn lờ quanh vùng lãnh hải tiếp giáp. Giới chức Trung Quốc trong khi đó lại cho rằng các tàu tuần tra đã đi vào vùng biển “để thực thi sứ mệnh bảo vệ ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế” của Trung Quốc và lặp lại rằng quần đảo và những vùng biển xung quanh đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại.
Tokyo đã ngay lập tức gửi kháng nghị đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Kenichiro Sasae cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối. Các quan chức Nhật Bản cho hay, tại cuộc gặp, ông Sasae đã gọi việc xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc là hành động “cực kỳ nghiêm trọng” và “không thể chấp nhận được”.
Một quan chức Nhật Bản cho biết thêm, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba sẽ có các cuộc thảo luận song phương với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì 11/7 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Những căng thẳng liên quan đến quyền kiểm soát quần đảo Senkaku được dự đoán sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa ông Gemba và ông Dương.
Đây là cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda công bố kế hoạch mua 3 trong số các đảo từ các chủ sở hữu tư nhân và quốc hữu hóa các đảo này.
Ngoài ra, Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật, ký kết năm 1960 bởi “quần đảo này được Chính phủ Nhật kiểm soát từ khi được Mỹ chuyển giao như một phần của việc giao trả Okinawa vào năm 1972”. Do đó, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại đây.
ASEAN tiếp tục thảo luận về COC
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao ASEAN cho biết, các ngoại trưởng ASEAN ngày 11/7 đã tiến hành một cuộc họp khẩn để thống nhất về những ngôn từ về biển Đông trong bản tuyên bố chung. Một nhà ngoại giao khác thì nói rằng đang có “những sự chia rẽ và bất đồng” trong nội bộ khối, chủ yếu là giữa Philippines và nước chủ nhà Cambodia – nước đồng minh thân thiết của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thừa nhận rằng cuộc tranh luận chủ yếu là để quyết định có đề cập đến những sự cố gần đây, bao gồm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi đá cạn Scarborough, hay không. “Điều quan trọng là chúng tôi phải bày tỏ ý kiến rằng đó là một bãi đá ngầm hay thềm lục địa. Nhưng quan trọng hơn là hướng về phía trước để đảm bảo những vụ việc tương tự sẽ không tiếp diễn” – ông Natalegawa nói.
Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN hiện đang dự một hội nghị thượng đỉnh tại Phnompenh để bàn bạc về các điều khoản chính cũng như cách thức thực thi bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ngày 11/7 nói với các phóng viên rằng là bộ quy tắc này đang được thảo luận “có tác dụng làm dịu tất cả các bên”.
Tại cuộc họp hôm qua, Ngoại trưởng ASEAN và Nhật Bản cũng đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực để khởi động các cuộc đàm phán về một khu vực FTA mới có tên gọi Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vào cuối năm nay.
Minh Ngọc (Theo AFP, Kyodo)